(CMO) Những năm gần đây, vào mùa khô, nhiều địa phương trong vùng ngọt huyện Trần Văn Thời xuất hiện trường hợp người dân tự ý khai thác đất trái phép dưới nhiều hình thức như: Tự ý di dời hạ thấp mặt đất ruộng, đào ao nuôi cá lấy đất đi san lấp mặt bằng… làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, cạn kiệt nguồn tài nguyên đất trái với quy định.
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Dương Minh Sang thông tin, trên địa bàn đã xảy ra 8 trường hợp người dân tự ý di dời hạ thấp mặt ruộng mang đất đi san lấp mặt bằng. Trong đó, hộ bà Cao Hồng Phướng, ấp Kinh Hội đã thuê xe cuốc đào đất nông nghiệp để làm ao nuôi cá với diện tích trên 2.200 m². Ngoài phần đất khai thác được lấp nền, phần còn lại khá lớn được mang đi bán (72 xe đất, mỗi xe 6,3 m³) với tổng khối lượng 468 m³, giá 320.000 đồng/xe, thu lợi trên 23 triệu đồng, địa phương đang đề xuất Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời xem xét xử lý.
Hộ ông Lý Văn Trắng, ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình đang cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích ao nuôi cá bổi thâm canh. |
Được biết, hộ bà Cao Hồng Phướng thuê xe cuốc đào ao nuôi cá trên phần đất nông nghiệp từ đầu năm 2017, lúc đó địa phương phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Năm nay lại tiếp tục tái diễn, UBND xã đang đề xuất UBND huyện xử phạt hộ bà Cao Hồng Phướng 45 triệu đồng vì hành vi khai thác đất nông nghiệp mang đi bán trái phép. Đồng thời, đề xuất hình thức phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ theo điểm g, khoản 1, Điều 44, Nghị định 33/2017/NĐ-CP, ngày 3/4/2017, của Chính phủ quy định định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Còn lại 7 trường hợp người dân tự ý di dời đất hạ thấp mặt ruộng lấy đất san lấp nền nhà, liếp vườn, địa phương tiến hành lập biên bản, buộc người dân dừng mọi hoạt động khai thác, trả lại hiện trạng ban đầu. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến với người dân tác hại việc lấy đất vi phạm quy định pháp luật, ảnh hưởng xấu đến sản xuất sau này.
“Tương tự, tại ấp Thăm Trơi, xã Khánh Bình Đông cũng diễn ra tình trạng tương tự. Một hộ dân lấy đất mặt ruộng chuyển ra ấp Rạch Nhum đắp nền nhà cho con ở riêng, cũng được địa phương phát hiện kịp thời”, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông Đỗ Văn Sử thông tin.
Trưởng ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình Đông Trần Văn Bé, cho biết, toàn ấp có 190 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng do địa hình vùng đất gò lại không bằng phẳng nên trong nhiều năm qua, vào mùa hạn đến, nhiều hộ dân đã thuê xáng cuốc, xe tải ban trải một phần đất mặt ở khu vực gò cao xuống, khu vực trũng hoặc đắp nền nhà, nâng mặt bằng vườn để trồng cây ăn trái, để mặt ruộng thấp xuống thuận lợi trong việc điều tiết nước để trồng lúa. Ông Bé cho biết thêm, sau khi ban trải lớp đất mặt ruộng, năm đầu cây lúa chậm phát triển, còn qua mấy mùa sau lúa phát triển bình thường, năng suất có tăng qua hàng năm.
Ông Dư Quốc Trị, người dân ấp Kinh Hội, cho biết, dù biết lấy đi một phần đất mặt ruộng là vi phạm luật quy định, nhưng do đất gò thiếu nước sản xuất, lúa không hiệu quả, nên đành chấp nhận.
Trước tình hình nhiều hộ dân tự ý di dời mặt đất ruộng, đào ao lấy đất đi bán, san lấp mặt bằng làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, cạn kiệt nguồn tài nguyên, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Phạm Văn Vẹn cho biết, địa phương đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phân công cụ thể từng thành viên của UBND thường xuyên đi kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và khoáng sản tại các ấp trọng điểm như: 19/5, Rạch Bào, Ông Bích, Phạm Kiệt và Rạch Cui.
Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh cho biết, địa phương đang củng cố hồ sơ xử lý một hộ dân ở xã Khánh Bình khai thác đất mặt mang đi bán. Đồng thời khẳng định, việc khai thác đất ruộng để lập vườn hay lấp nền cho chủ hộ… thì không vi phạm nên không xử lý mà chỉ tuyên truyền vận động người dân nhận thức về tác hại của việc khai thác đất mặt. Đồng thời, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện đã vào cuộc chỉ đạo thực hiện công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, cũng như thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để quản lý tốt hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, có người lợi dụng đất gò cao hay cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích mặt ao để nuôi cá, sau đó lấy đất đi bán.
Ông Sử Văn Minh cho biết thêm, UBND huyện yêu cầu các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn theo đúng nội dung chỉ đạo tại Công văn số 609, ngày 3/2/2020, của UBND tỉnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý tình trạng khai thác, mua bán đất mặt trái phép, nạo vét đường thuỷ nội địa, đất ven bờ sông, bờ kênh và khai thác đất do các tổ công trình công cộng… gây sạt lở. Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
UBND huyện yêu cầu, đưa kết quả thực hiện công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm cơ sở xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu cơ quan, UBND các xã, thị trấn./.
Trung Đỉnh