ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-4-25 20:29:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thầm lặng nghề pháp y

Báo Cà Mau (CMO) Cũng là bác sĩ, thế nhưng, so với đội ngũ bác sĩ đảm nhiệm công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, trực tiếp phục vụ người dân được mọi người biết nhiều, nhắc tới nhiều và tôn vinh nhiều hơn, thì đội ngũ bác sĩ pháp y ít được biết đến, bởi đặc thù công việc của họ thầm lặng, miệt mài bên những “bệnh nhân đặc biệt” - những tử thi, phục vụ cho công tác điều tra, phá án. Tuy thầm lặng nhưng công việc họ đang làm không kém phần ý nghĩa và xứng đáng được trân trọng, bởi đó là hành trình bảo vệ lẽ phải, đem lại công lý cho người vô tội và cho cả những người đã khuất.

Tiếp cận với xác chết, tử thi, đó chính là nhiệm vụ hàng ngày, hằng năm của bác sĩ pháp y, một công việc mà chắc chắn không nhiều người đủ can đảm để làm. Thế nhưng, bất kể ngày đêm, mặc kệ thời tiết, ở mọi địa hình, khi cần, người bác sĩ pháp y sẽ luôn có mặt, bắt đầu công việc đặc biệt: nói thay người đã khuất!

Vào thời điểm giữa tháng 10/2022, một ngư dân đang đánh bắt thuỷ sản thì phát hiện 1 tử thi trôi trên biển tại địa bàn thuộc ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đang trong tình trạng phân hủy. Nhận được thông tin, lực lượng pháp y tiếp cận hiện trường, tiến hành khám nghiệm tử thi.

Duyên nợ… với nghề

“Bác sĩ trẻ mới ra trường sẽ hiếm ai chọn nghề pháp y, bởi nó bạc bẽo lắm, vừa vất vả, vừa phải đối mặt nhiều thử thách. Hơn nữa, bác sĩ đa khoa sau khi lành nghề có thể mở phòng mạch, có thể khám bệnh cho bệnh nhân, có thu nhập tăng thêm trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng riêng với bác sĩ pháp y là điều không thể, dù trình độ, chuyên môn không hề thua kém”, Bác sĩ CKI Nguyễn Hữu Vương, hiện công tác tại Trung tâm Pháp y tỉnh Cà Mau, một trong những bác sĩ pháp y có “thâm niên” trong ngành, trải lòng.

Bác sĩ Vương theo đuổi và dấn thân vào ngành y từ năm 2005 với bằng tốt nghiệp trung cấp y, về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Dơi, sau đó khi đang học lên bác sĩ tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ thì được nhận quyết định chuyển công tác về Trung tâm Pháp y tỉnh vào năm 2013.

“Ban đầu khi về đây, trong tư tưởng vẫn còn cảm giác e ngại. Nhưng sau khi làm một thời gian, dấn thân với nghề mới cảm nhận, ở đâu cũng là phục vụ, đặc thù ngành này vẫn có rất nhiều cái hay và có ý nghĩa”, Bác sĩ Vương tâm tình.

Đa số anh em ngành pháp y có xuất phát điểm từ bác sĩ đa khoa, không có học chuyên về pháp y. Do vậy, trước khi chính thức nhận việc, để làm được nghề pháp y, cuối năm 2015 Bác sĩ Vương phải học thêm 3 tháng (tại TP Hồ Chí Minh) về công tác khám nghiệm tử thi. Với thời gian ngắn ngủi đó, nhưng bác sĩ Vương đã tham gia mổ trên 1.000 tử thi. “Anh em trên đó quý mình lắm. Họ nói một bác sĩ mới ra trường mà đi ngành này là hầu như rất hiếm. Họ mừng vì có thêm một đồng nghiệp mới vào ngành. Bởi rất khó để tuyển một bác sĩ pháp y”, Bác sĩ Vương nhớ lại.

Với Bác sĩ Nguyễn Đức Thới, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh, mặc dù đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành y, nhưng ông về công tác tại Trung tâm Pháp y tỉnh chỉ mới 5 năm trở lại đây. Từng là bác sĩ ngoại khoa chuyên ngành “mổ xẻ”, và cũng là sĩ quan quân đội, từng tham gia chiến trường Campuchia, Bác sĩ Thới đã kinh qua nhiều vị trí công tác tại Trường Quân y từ năm 2000-2010, Bệnh viện Sản - nhi 2 năm, rồi về Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng được 5 năm thì “gia nhập” vào pháp y.

Bác sĩ pháp y chỉ làm việc với xác chết, không có áp lực giành giật sự sống cho một sinh mạng con người, nhưng họ cũng có vô vàn những áp lực phải chịu và công việc này không hề thuận tiện, dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ, cũng đối mặt lắm vất vả, hiểm nguy.

Nếu mổ ở bệnh viện gọi là mổ sạch, còn với pháp y phải tiếp cận hiện trường, thậm chí mổ ở bãi biển, trong rừng. Đó không phải là môi trường chuẩn, mà đối diện với nắng, gió. Bác sĩ Vương nhớ lại: “Có những vụ án phải mổ tử thi ở bìa rừng. Lần đó khoảng 1-2 giờ đêm, khi nhận thông tin, anh em pháp y tập hợp rồi đi tàu ra biển, chạy vào bìa rừng. Khi người dân phát hiện, buộc anh em địa phương phải thức đêm canh giữ hiện trường, bởi khi nước lớn lên cao sẽ đẩy tử thi trôi đi nơi khác. Khi vừa đến nơi, anh em pháp y tức tốc làm ngay, vừa giúp cho lực lượng công an làm nhiệm vụ vừa để anh em địa phương không phải canh giữ hiện trường lâu, rồi bàn giao thi thể lại cho người nhà. Có những hôm mưa gió, 4 anh em cặm cao su che chắn 4 góc để tránh mưa tạt rồi tiến hành mổ, vất vả lắm”.

Ngày 8/12/2022, lực lượng chức năng và pháp y tiếp cận thi thể nạn nhân được ngư dân phát hiện trôi trên biển, đưa vào bờ tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.

Đó là còn chưa kể đến vấn đề ảnh hưởng sức khoẻ. Đáng e ngại nhất là khi tiếp xúc với tử thi giai đoạn phân huỷ, tử thi yếm khí, có thể nói đây là môi trường rất độc hại. “Khi anh em mổ tử thi chết lâu trong phòng kín, xong việc về nhà ai cũng bị ám mùi, có cảm giác mùi len lỏi cả trong sợi tóc, quần áo, da,... Dù tắm xong vẫn còn cảm giác phảng phất mùi đâu đó. Còn khi tiếp xúc tử thi phân huỷ, sản sinh ra những chất độc, khi hít vào đôi khi gây nhức đầu, chóng mặt mấy ngày”, Bác sĩ Vương kể.

Thế nên, như lời tâm tình của Bác sĩ Nguyễn Đức Thới: “Nói chung, người trong ngành y tế, hầu như không ai chọn đi con đường pháp y cả. Nếu đã chọn thì cũng như là duyên nợ và bản thân có đam mê cống hiến, tâm huyết với nghề. Bởi đây là nghề khoa học, dùng vấn đề chứng cứ khoa học để xác định nguyên nhân tử vong của xác chết, góp phần hỗ trợ cho cơ quan điều tra làm rõ vụ việc”.

Đi tìm công lý, bảo vệ lẽ phải

Không phân biệt giờ giấc, chỉ cần có cuộc gọi, dù lúc nửa đêm thì lực lượng pháp y liền tức tốc lên đường, có khi đến sáng mới về tới đơn vị. Để tìm được nguyên nhân tử vong, lực lượng pháp y phải làm việc cật lực liên tục 2 giờ đồng hồ, có khi hơn 3 giờ, để tìm cho bằng được lý do người chết, không để xác định sai lệch.                

Bác sĩ Thới bộc bạch: “Có những trường hợp cần xác định chết do tai nạn, bị giết hay tự vẫn. Cũng có những vụ án, giết người rồi cho xe cán qua để qua mắt cơ quan điều tra; hoặc giết rồi quăng xác xuống sông tạo hiện trường giả để trốn tội. Khi đó, trách nhiệm pháp y phải tìm cho ra nguyên nhân tử vong một cách chính xác. Đó cũng là một nhiệm vụ khoa học, đòi hỏi cán bộ pháp y trình độ chuyên môn phải cao và trách nhiệm trong việc đi tìm lại lẽ phải, công lý”.

Cũng chính vì điều đó, nhiều lúc đội ngũ pháp y phải chịu một áp lực rất lớn. Áp lực phải mổ tử thi trong điều kiện gia đình của họ không đồng ý, nhưng cơ quan điều tra yêu cầu bắt buộc phải mổ để làm rõ nguyên nhân tử vong; áp lực trong những vụ án đâm chém, bạo lực, đòi hỏi giải quyết nhanh, sớm và đảm bảo tính chính xác, nhất là những vụ án dư luận quan tâm cao, cần sớm đưa câu trả lời cho người dân, thêm nữa là thời gian tạm giam nghi phạm cũng có thời hạn…

Áp lực hơn hết là trách nhiệm, lương tâm của người bác sĩ pháp y. Bởi, nếu có một chút “lạc lòng” sẽ dễ dẫn đến sai sót, oan sai. Chỉ cần có một sự thiên vị chút thôi, có thể “bôi đen” cả cuộc đời của một con người. “Do vậy, anh em trong ngành luôn xây dựng tư tưởng công bằng - khoa học, không thiên vị, không để oan sai. Nói không với mọi mối quan hệ “gửi gắm”, không để ai cám dỗ, mua chuộc. Phải làm hết sức công tâm, khách quan. Dẫu có nhiều lúc phải đối diện với sự hăm doạ từ lực lượng xã hội đen, bởi băng nhóm thanh toán lẫn nhau,.. nhưng anh em vẫn vững lòng, làm hết sức công bằng, để trả lại lẽ phải, công lý cho người vô tội, nhất là người đã khuất “, Bác sĩ Vương tâm đắc.

Bác sĩ pháp y Nguyễn Hữu Vương (ở giữa) tiến hành khám nghiệm một tử thi tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, ngày 9/12/2022. Trước đó, vào khoảng 22 giờ ngày 8/12, người dân phát hiện nạn nhân chết ở Phường 8, TP Cà Mau, chưa rõ  nhân thân, lai lịch.

“Tết này chắc lại sẽ ở nhà vì không dám đi đâu chúc tết”, Bác sĩ Nguyễn Đức Thới nói vui khi cho biết không phải ai cũng hiểu và chia sẻ với nghề của bác sĩ pháp y vốn chỉ tiếp xúc với xác chết, nhiều người thiên về mặt tâm linh còn kỳ thị với nghề này.

Cách suy nghĩ chưa đúng ấy chắc chỉ một số ít người khi họ chưa hiểu rõ về nghề pháp y. Bởi, với công việc ý nghĩa và những cống hiến thầm lặng, cũng như bao bác sĩ khác đã và đang thực hiện sứ mệnh cao cả của nghề y, đội ngũ bác sĩ pháp sĩ xứng đáng được tôn vinh, trân trọng!


Trung tâm Pháp y tỉnh Cà Mau được thành lập năm 2007, với chức năng nhiệm vụ giám định tư pháp trên lĩnh vực pháp y trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chủ yếu về pháp y thương tích, pháp y tử thi, pháp y xâm hại tình dục và một số lĩnh vực liên quan như: pháp y về giới tính, giám định sức khoẻ đối với đối tượng chấp hành án. Từ năm 2018 về sau, trung tâm còn hợp đồng với một số đơn vị chuyên môn cao hơn như Giám định pháp y quốc gia và TP. Hồ Chí Minh để mở rộng giám định thêm AND, thi thể và độc chất.

Trung tâm hiện còn gặp nhiều khó khăn. Do tính chất đặc thù của nghề như thế, nên hiện nay ngành pháp y rất khó thu hút nguồn nhân lực. Hiện trung tâm chỉ có 12 người với 5 bác sĩ (nhưng chỉ 3 giám định viên). Trong khi đó, thông thường, một ekip đi khám nghiệm tử thi đòi hỏi phải 4 người: 2 giám định viên (bác sĩ) và 2 phụ giám định (có chuyên môn về ngành y). Lực lượng mỏng, anh em phải thay nhau gồng gánh công việc.


 

Hồng Nhung

 

Bệnh viện Đa khoa Cà Mau tổ chức hiến máu tình nguyện

Sáng nay (17/4), Công đoàn, Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa Cà Mau phối hợp với Bệnh viện huyết học - truyền máu TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện tỉnh Cà Mau tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện.

Phát động Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm 2025       

Sáng 15/4, tại thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025. Đây là đơn vị chỉ đạo điểm của tỉnh Cà Mau.

Tập huấn phát hiện sớm bệnh mắt sụp mi, lé ở trẻ em

Ngày 11 và 12/4, tại Bệnh viện Mắt – Da liễu Cà Mau, 40 bác sĩ chuyên khoa Mắt và kỹ thuật viên khúc xạ từ các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và thành phố tham gia khóa tập huấn chuyên sâu về khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh lý mắt thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là sụp mi và lé.

Nâng chất hoạt động y tế dự phòng

Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Năm Căn được cấp trên đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động tại trụ sở mới; cơ sở vật chất 8/8 trạm y tế xã, thị trấn khang trang, với tổng số 38 giường bệnh; duy trì 100% trạm y tế có bác sĩ, hộ sinh hoặc y sĩ sản - nhi; 100% ấp, khóm có nhân viên y tế hoạt động; 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trạm y tế từng bước hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đạt yêu cầu thẩm định bệnh án điện tử

Chiều 30/3, đoàn công tác Hội Tin học y tế Việt Nam thẩm định do ông Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội, dẫn đầu đến thẩm định điều kiện đảm bảo triển khai Bệnh án điện tử (EMR) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.

Nâng cao hiệu quả công tác dự phòng

Suốt nhiều năm qua, Trung tâm Y tế TP Cà Mau luôn thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “phòng dịch hơn chống dịch” và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tích cực chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân. Ðiển hình như năm 2024, trên địa bàn TP Cà Mau chỉ xảy ra 181 ca bệnh sốt xuất huyết (năm 2023 là 241 ca); 540 ca bệnh tay chân miệng (năm 2023 là 871 ca); không có ca Covid-19 (năm 2023 có 52 ca)...

Mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động phòng, chống bệnh sởi năm 2025

Sáng 26/3/2025, tại thị trấn Sông Đốc, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động truyền thông phòng, chống bệnh sởi và tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi năm 2025.

Không bỏ sót đối tượng tiêm chủng sởi

Hiện nay, tình hình dịch bệnh sởi đang diễn biến phức tạp, một số địa phương ghi nhận số ca mắc cao. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 38.807 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 3.447 trường hợp dương tính với sởi tại 61 tỉnh, thành phố; 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Theo đó, tỉnh Cà Mau đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch sởi.

Hành động để chấm dứt bệnh lao

Việt Nam đã triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, với mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Các hoạt động bao gồm tăng cường phát hiện, điều trị dự phòng cho người có nguy cơ cao, cải thiện khả năng tiếp cận chẩn đoán nhanh, đảm bảo phác đồ điều trị hiệu quả cho cả lao thường và lao kháng thuốc.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Chính phủ vừa có Nghị quyết số 51/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế" (Chương trình).