ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 24-9-24 11:19:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thắp niềm tin cho người khiếm thị

Báo Cà Mau (CMO) “Anh Kha (Đỗ Trà Kha) là khách quen. Mỗi bận đến xoa bóp, bấm huyệt, anh em hay tâm tình với nhau. Một hôm ảnh nói: “Tôi sẽ mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt chất lượng của người khiếm thị. Anh về làm nhé!”. Lúc đó tôi tưởng ảnh nói đùa. Dè đâu làm thiệt...”, anh Văn Thanh Phong, nhân viên cơ sở xoa bóp người mù (toạ lạc Phường 9, TP Cà Mau), chia sẻ.

Cách trả lương lạ đời

Anh Phong, 47 tuổi, quê huyện Phú Tân. Anh mất thị lực cách đây 10 năm, sau lần mổ cườm mắt không thành công. Không muốn là gánh nặng cho vợ con, ở tuổi 44, anh lên Sài Gòn học nghề xoa bóp, bấm huyệt, rồi xin việc ở một cơ sở xoa bóp của người mù tại TP Cà Mau. 

“Người mù làm ở nơi người mù làm chủ, tôi nhận được sự cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu, nhưng lại có nhiều nỗi niềm riêng, đôi lúc áp lực. Vậy nên, khi anh Kha rủ về làm với ảnh, có chút phân vân, nhưng ngẫm nghĩ: Người sáng mắt làm chủ sẽ quan sát tỏ tường, giúp tôi có điều kiện phát triển tay nghề, học hỏi nhiều hơn. Nên tôi đồng ý”, anh Phong tâm tình. 

Điều khiến anh Phong cũng như những nhân viên ở đây bất ngờ và ấm lòng chính là cách ông chủ trả lương không giống bất cứ nơi nào. Cụ thể, anh Kha quy định rõ: Mỗi vé xoa bóp, bấm huyệt có giá khoảng 80.000 đồng/lần (tuỳ theo dịch vụ, có thể giá cao hơn). Vé đầu tiên, anh Kha nhận 50.000 đồng, trả nhân viên 30.000 đồng. Vé 2, 3 chia đều chia đôi. Vé 4, 5, chủ 30.000 đồng, nhân viên 50.000 đồng. Và từ vé thứ 6 trở đi, anh Kha chỉ nhận 20.000 đồng, còn lại trả nhân viên. Cứ theo đó, nếu mỗi tháng cộng số tiền được trả mỗi nhân viên đạt từ 4,5 triệu đồng trở lên thì xem như ổn. Nhưng nếu tháng đó ít khách, tiền cộng không đủ 4,5 triệu đồng, thì anh Trà Kha sẽ bù tiền túi để đảm bảo nhân viên mỗi tháng “lương cứng” phải là 4,5 triệu đồng. 

“Đặc biệt, người mù làm việc ở đây còn được “bao ăn, bao chỗ ở”. Tiền “tip” của ai nấy giữ. Nếu so với việc phải bươn chải mưa nắng với nghề bán vé số, bán dạo, kết cườm… bấp bênh, thì nghề xoa bóp, bấm huyệt này cho chúng tôi cuộc sống ổn định, lâu dài”, anh Phong vui vẻ.

“Họ có lòng tự trọng”

Anh Đỗ Trà Kha là biên đạo múa, lưu diễn khắp nơi, nên thường đau nhức, mỏi mệt. Lần đi Phú Yên diễn, anh ngủ gật gù nên bị nhức vai, trẹo cổ. Uống thuốc, điều trị, đi massage, châm cứu, xoa bóp khắp nơi cũng không khỏi. Được giới thiệu Cà Mau có 2 cơ sở xoa bóp người mù rất hay, nên anh đi thử. Duyên gặp anh Văn Thanh Phong xoa bóp được 3 lần, khoẻ hơn. Anh duy trì tiếp 3 lần, rồi 3 lần nữa, khoẻ hẳn. Trong 20 ngày gặp gỡ, chuyện trò, anh Kha cảm thông, thấu hiểu nỗi vất vả của người mù làm nghề kiếm sống. Nhất là khi nghe anh Phong có ý định nghỉ làm, tìm việc nơi khác, nhưng ngại xa nhà, xa vợ, con, anh Kha muốn giúp đỡ, nhưng phải tìm ra cách. Anh cứ trăn trở khôn nguôi... 

Mỗi ngày cơ sở phục vụ từ 10-15 lượt khách đến xoa bóp, bấm huyệt theo các gói dịch vụ khác nhau.

Nghĩ là làm. Anh thuê hẳn căn hộ bỏ trống kế bên quán cà phê Hoa Lan Viên do anh đang làm chủ để mở cơ sở. Nhưng chỉ mời một mình anh Phong về làm, mặc dù thời điểm đó, anh Kha rất cần người. Bởi, thật tâm anh Đỗ Trà Kha nghĩ, nếu chỉ vì muốn giúp một người có việc làm, có thu nhập ổn định mà ảnh hưởng đến các cơ sở xoa bóp người mù hiện tại - nguồn sống của họ, thì anh tuyệt đối không làm. Vậy nên, để “chiêu mộ” nhân lực, anh tìm đến Hội Người mù các tỉnh đang nhu cầu tìm việc. Người đầu tiên “đầu quân” là anh Bùi Văn Đức (quê Bình Phước). 

Tuyển được 2 nhân viên thì do ảnh hưởng dịch Covid-19, cơ sở không thể mở cửa hoạt động. Anh Kha phì cười: “Đã hứa thì phải trả đủ lương khi họ đồng ý về với mình. Vậy là ngoài việc đảm bảo cơm no, ngủ ấm, suốt mấy tháng tạm ngưng các hoạt động kinh doanh, tôi vừa thất thu, vừa phải trả lương. Nhưng đổi lại anh em hiểu nhau hơn, tôi còn được massage mỗi ngày”. 

Anh lý giải cặn kẽ, tức là theo lời hứa mỗi tháng anh đảm bảo 4,5 triệu đồng cho nhân viên dù khách ít hay không có khách. Tuy nhiên, hiểu tấm lòng của anh, 2 nhân viên chỉ nhận 1/2 số tiền anh hứa để lo cơm áo gia đình. Bù lại, anh Kha trở thành khách VIP. Vậy là suốt thời gian đó, ngày nào anh Kha cũng được xoa bóp, nhân viên cũng có việc làm. Có hôm, anh Kha tăng suất làm lên 2 lần, cho thêm tiền tip để họ có thêm vài chục ngàn cà phê, thuốc lá. “Chủ - nhân viên” gọi thế, nhưng với họ, sự chia sẻ, gắn bó như người thân trong gia đình. 

“Mục tiêu hướng đến là một cơ sở xoa bóp của người khiếm thị có chất lượng. Đó phải là môi trường sống và thu nhập ổn định của họ. Bởi, người mù cũng có nhu cầu sống, làm việc và chi tiêu xã hội. Họ có lòng tự trọng, không muốn xin lòng thương từ người khác khi họ còn sức khoẻ để kiếm ra đồng tiền từ sức lao động của mình”, anh Kha bộc bạch. Và anh mong rằng, xã hội hãy nhìn nhận sức lao động đáng trân trọng của họ. Hãy xem xoa bóp của người mù là một công việc đem lại sức khoẻ cho mọi người,  đừng nghĩ xoa bóp hay massage là điều gì đó không lành mạnh.

Hiện tại, cơ sở xoa bóp có 4 nhân viên (3 nam, 1 nữ) ở 4 tỉnh khác nhau: Bình Phước, Nha Trang, Kiên Giang và Cà Mau. Cơ sở được đầu tư 10 giường. Có 5 phòng: 1 phòng 3 giường nữ, 1 phòng 3 giường nam, 2 phòng VIP đơn (nam - nữ riêng) và 1 VIP đôi. Dịch vụ cũng có nhiều lựa chọn. 

“Tôi mong muốn cơ sở xoa bóp của người khiếm thị không đơn giản là khách đến ủng hộ, hay trị bệnh, mà phải như một Spa: sạch sẽ, chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo và đáp ứng mọi nhu cầu thư giãn của khách hàng. Và không chỉ có massage mà còn có dịch vụ giác hơi, chườm đá nóng, sắp tới tôi sẽ đầu tư thêm phòng xông hơi”, anh Đỗ Trà Kha cho biết thêm.

Dùng lực vừa đủ, đôi tay rắn chắc của anh Bùi Văn Đức điêu luyện các thao tác massage, xoa bóp cho khách. Anh cho hay, thời gian tuỳ theo sức khoẻ và yêu cầu của khách mà điều chỉnh liệu trình chăm sóc, khoảng từ 60-90 phút/lần. Ví dụ như massage đầu khoảng 3-5 phút để nhuận khí lưu thông điều trị chứng nhức đầu, mất ngủ, hay choáng váng. Tiếp đến là massage lưng, vai gáy, tay, chân… 

“Bác Hồ dạy “Tàn nhưng không phế”. Chúng tôi còn đôi tay, còn khối óc và trái tim yêu nghề. Và người mù chúng tôi “bán sức lao động đổi lấy đồng tiền”, còn khách hàng “bỏ đồng tiền mua lấy sức khoẻ”. Chúng tôi vui vì mình không là gánh nặng của xã hội, và luôn sống vui, sống khoẻ, lạc quan bằng chính đồng tiền mình tạo ra”, chàng trai 32 Bùi Văn Đức chia sẻ. Anh Đức từng nhập ngũ, anh mất thị lực ở tuổi 23 sau một tai nạn. Anh Đức từng là chủ 2 cơ sở xoa bóp người mù. Hiện anh là nhân viên có tay nghề cao, làm được 4 tháng tại cơ sở này với thu nhập ổn định, sống lạc quan, vui vẻ, yêu nghề./.

Băng Thanh

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; chủ động tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là mục đích được đề ra trong Kế hoạch triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, vừa được UBND tỉnh ban hành.

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch

Thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều hộ gia đình hiện nay. Bởi đây là loại thực phẩm có nguồn protein khá cao và rất tốt cho sức khoẻ, do có ít calo và chất béo bão hoà so với các loại thịt đỏ như: heo, cừu, trâu, bò… từ đó cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch hơn.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.