(CMO) “Năm 2019, công tác thi hành án dân sự (THADS) tuy có nhiều cố gắng nhưng kết quả không như mong đợi. Kết quả THADS về vụ việc chỉ đạt 75,4%, về tiền chỉ đạt 13,1%”, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Cà Mau Huỳnh Văn Hiệu cho biết.
Thi hành án dân sự là công tác rất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các bên đương sự. Song, THADS có 2 loại: Án có điều kiện thi hành và án không có điều kiện thi hành và giải quyết 1 việc phải mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, do thiếu sự hợp tác của đơn vị, tổ chức, những người có liên quan và sự hỗ trợ phối hợp của các cơ quan chức năng, nên số việc và tiền chuyển sang kỳ sau cứ tăng dần qua từng năm theo cấp số cộng, trong đó có không ít trường hợp không thể giải quyết.
Chồng chéo tài sản thế chấp
Ngoài một số việc coi như “nợ khó đòi” vì thuộc án không có điều kiện thi hành, thì thực tế những người phải thi hành án (THA) thuộc loại có điều kiện thi hành cũng thường tìm cách trốn tránh, chống đối quyết liệt việc THA.
Chi cục THADS huyện Trần Văn Thời là 1 trong 2 đơn vị đang quá tải số lượng án. |
Những năm gần đây các tổ chức tín dụng đã chặt chẽ hơn trong giai đoạn thẩm định cho vay, nhưng các vụ việc cũ gặp một số khó khăn do tài sản đảm bảo không đúng với thực tế, cùng một loại tài sản nhưng thế chấp chồng chéo cho nhiều ngân hàng. Điển hình như việc THADS ở Công ty TNHH Thuỷ sản Nhật Đức, một trong những công ty liên quan trong vụ án lừa đảo tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Minh Hải, với tổng số tiền hơn 1.260 tỷ đồng.
Riêng Công ty TNHH Thuỷ sản Nhật Đức, tiền phải THADS là 242 tỷ đồng, nhưng thực tế tài sản thế chấp của công ty chỉ có 41 tỷ đồng mà đất thì thế chấp cho Ngân hàng Phát triển, còn phần kiến trúc chính của nhà xưởng thì thế chấp cho Ngân hàng NN&PTNT, lối đi nội bộ lại được thế chấp cho một ngân hàng khác nữa… Hiện vợ chồng nguyên giám đốc công ty này đang phải chấp hành án tù tại Trại giam K1 Cái Tàu. Khi tổ chức THA, chấp hành viên gặp không ít khó khăn vì muốn gặp đối tượng phải thông qua sự cho phép của trại giam, mà mỗi lần gặp mặt hoặc chuyển hồ sơ qua trại giam thì cặp vợ chồng này không chấp nhận bất cứ văn bản tống đạt của cơ quan THADS mà cũng không uỷ quyền cho ai.
Mặt khác, tài sản là quyền sử dụng đất thế chấp cho ngân hàng hết thời hạn sử dụng, người phải THA không hợp tác gia hạn, nên không kê biên được hoặc kê biên bán đấu giá nhưng không làm thủ tục chuyển quyền sử dụng được… Bên cạnh đó, tài sản thế chấp ngân hàng nhưng không chia được thửa đất, vị trí đất, cơ quan chuyên môn cũng không xác định được thửa đất, vị trí đất nên chấp hành viên không thể kê biên.
“Ngoài những khó khăn trong việc kê biên, định giá thì việc bán đấu giá tài sản cũng không dễ dàng vì người dân còn tâm lý e ngại khi mua tài sản kê biên, bán đấu giá, nên có nhiều tài sản kê biên bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được, mà nếu bán được thì giá trị cũng rất thấp so với số tiền cần phải THA. Trong năm 2019, Cục phải bán đấu giá tài sản 70 việc để THA số tiền là 1.200 tỷ đồng, nhưng sau nhiều lần đấu giá vẫn không có người mua, mà nếu có bán được thì 70 việc này cũng chỉ thu được khoảng 200 tỷ đồng. Số chênh lệch quá lớn”, ông Huỳnh Văn Hiệu trải lòng.
Áp lực lớn, rủi ro cao
Theo quy định Luật THADS, giải quyết việc THA phải mất nhiều thời gian mà quy trình THA một việc phải thực hiện qua 3 bước, 22 trình tự, thủ tục, với thời gian nghiêm ngặt khoảng 150 ngày. Trong khi đó, lượng án giải quyết quá lớn và cứ tăng theo từng năm trong khi số lượng chấp hành viên không tăng.
Năm 2019 có 23.021 việc phải giải quyết nhưng tổng biên chế của cục chỉ có 136 người, trong đó chỉ có 55 chấp hành viên, nên bình quân mỗi chấp hành viên phải giải quyết hơn 410 việc, có nơi chấp hành viên phải giải quyết trên 800 việc như TP Cà Mau, huyện Trần Văn Thời. Trong số 55 chấp hành viên thì có 33 người phải kiêm nhiệm công tác quản lý ngành. Đây là một áp lực rất lớn không chỉ với chấp hành viên mà cả cơ quan THADS của tỉnh.
Phó chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Trần Văn Thời Từ Công Tú băn khoăn: "Án thụ lý ngày càng nhiều, tính chất phức tạp cũng tăng lên, nhưng nhân sự của chi cục giới hạn, nên ngoài việc thực hiện thủ tục đảm bảo về thời gian theo quy định của ngành, các chấp hành viên còn bị áp lực về thực hiện chỉ tiêu trên giao. Bên cạnh đó, một số trường hợp đương sự chống đối quyết liệt, lợi dụng khiếu nại, tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người thi hành công vụ. Tính rủi ro nghề nghiệp ngày càng cao nhưng chấp hành viên chưa được cơ chế bảo vệ".
Theo ông Huỳnh Văn Hiệu, hội thảo về công tác nhân sự của ngành THADS đã được Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Cục Công tác phía Nam tổ chức nhiều đợt và được các cục THADS địa phương góp ý kiến, đề nghị nâng biên chế nhưng đến nay vẫn phải… chờ. Áp lực công việc lớn, rủi ro càng cao nên không ít chấp hành viên ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã đệ đơn xin nghỉ việc, thậm chí là đơn không được chấp nhận họ cũng kiên quyết bỏ việc. Riêng ở tỉnh ta, trong năm 2019 đã có 2 trường hợp xin nghỉ việc và chuyển công tác./.
Mỹ Pha