Chiều ngày 5/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Nhà nước về du lịch do Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ - thành viên BCĐ làm trưởng đoàn, kiểm tra về tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
(CMO-BT) Chiều ngày 5/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Nhà nước về du lịch do Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ - thành viên BCĐ làm trưởng đoàn, kiểm tra về tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Những năm qua, lượt khách du lịch đến Cà Mau không ngừng tăng lên, duy trì mức độ tăng trung bình hằng năm trên 7%. Năm 2011 đón 780.000 lượt (có 16.000 lượt khách quốc tế); năm 2014 đón hơn 910.000 lượt khách; 9 tháng năm 2015 đón trên 838.000 lượt, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 86% kế boạch năm. Ước đến cuối năm 2015 sẽ đón 986.000 lượt (có 21.000 lượt khách quốc tế). Tuy nhiên, giá trị thu nhập từ hoạt động du lịch của tỉnh chưa cao, thời gian lưu trú của khách thấp, chưa mang lại những giá trị thiết thực đối với lợi ích cộng đồng.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Cà Mau Dương Huỳnh Khải cho biết, khó khăn nhất của Cà Mau trong việc kích thích phát triển du lịch là do điều kiện ngân sách hạn chế, trong khi nhiều công trình, dự án phục vụ dân sinh rất cần ưu tiên đầu tư. Điều kiện hạ tầng giao thông chưa thông suốt; bên cạnh đó, đặc điểm địa lý, tài nguyên du lịch, vị trí thu hút sự quan tâm của du khách đối với Cà Mau hiện nay thuộc VQG, rừng đặc dụng nhưng việc đầu tư, khai thác gặp nhiều khó khăn về thủ tục từ đó sản phẩm du lịch Cà Mau hạn chế về sự đa dạng, chất lượng điểm đến chưa cao. Việc công nhận khu du lịch địa phương chưa đạt yêu cầu do quy định của Luật Du lịch diện tích tối thiểu là 200 ha, trong khi các khu du lịch đang tổ chức không đạt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng kiến nghị, Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch trọng tâm (ưu tiên là tuyến Cà Mau - Hòn Đá Bạc); có quy định cụ thể về điều kiện được công nhận là khu, điểm du lịch sinh thái. Đặc biệt, cho cơ chế đặc thù đối với tỉnh trong việc cho thuê đất, thuê rừng đặc dụng VQG khai thác phát triển du lịch.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, thời gian tới, Cà Mau cần tập trung khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương: rừng ngập mặn Năm Căn và rừng ngập ngọt U Minh hạ. Cà Mau có ưu thế là điểm cực Nam Tổ quốc, tỉnh cần quyết tâm tìm ra giải pháp phát huy thế mạnh này để phát triển du lịch bền vững. Từ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến 2030, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, mở hướng kêu gọi đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư "mạnh tay" vào các công trình, dự án của địa phương. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch cũng cần được chú trọng, từ đó tiến đến xây dựng thương hiệu cho Cà Mau. Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị tỉnh đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch trên cơ sở khai thác tuyến đường hành lang ven biển phía Nam (R10) trong thời gian tới./.