Tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh tháng 7, vào sáng ngày 7/8, vấn đề tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh, công tác chống khai thác IUU và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được các đại biểu quan tâm nhiều nhất.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến cấp huyện, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Phụ trách điều hành UBND tỉnh Lâm Văn Bi và các Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, Nguyễn Minh Luân.
Tại phiên họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nhận định: “Cà Mau là tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các Chương trình MTQG rất thấp so với mặt bằng chung. Do đó, trong thời gian tới, nhất là trong tháng 8 và tháng 9 cần phải tập trung quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ, nhất là nguồn vốn chuyển tiếp”.
Theo ông Trần Công Khanh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, đầu tư công là một trong yếu tố tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Hiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ, chỉ khoảng 34,7%, dù có cao hơn so với bình quân chung cả nước. Nhiệm vụ còn lại của 5 tháng cuối năm, toàn tỉnh phải giải ngân trên 2.300 tỷ đồng, tức bình quân mỗi tháng phải giải ngân 460 tỷ đồng, đây là nhiệm vụ vô cùng lớn. Riêng giải ngân vốn các Chương trình MTQG trong tháng 6 và tháng 7 đã có chuyển biến tích cực, đến nay đạt khoảng 16%. Sở sẽ theo dõi sát để tham mưu UBND tỉnh có những chỉ đạo tiếp theo để đẩy nhanh tiến độ.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, hiện tại ngành đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị cho vụ lúa tôm, dự báo năm nay thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất.
Ở góc độ địa phương, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND Ngọc Hiển cho biết, tiến độ giải ngân vốn các Chương trình MTQG trên địa bàn vẫn còn thấp, chỉ trên dưới 10%. Huyện đã chỉ đạo các xã cũng như các chủ dự án, quyết tâm trong tháng 8 và tháng 9 tới sẽ giải ngân đạt theo kế hoạch của tỉnh đề ra.
Cho biết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với hai năm gần đây, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, ông Lê Minh Hiền khẳng định địa phương tiếp tục nỗ lực, từ nay đến hết tháng 9 sẽ kịp theo tiến độ giải ngân trong kế hoạch của tỉnh.
Theo các địa phương, nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm là do còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công còn chưa quyết liệt, khan hiếm vật liệu xây dựng;…
Dự án đầu tư tuyến giao thông U Minh - Khánh Hội hiện nay đang gặp khó khăn về tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng, đơn vị đầu tư phải chia đoạn để thi công.
Xung quanh nhiệm vụ chống khai thác IUU và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết, thời gian quan huyện đã vận động người dân giao nộp 172 bộ dụng cụ kích điện để khai thác nguồn lợi thuỷ sản; tổ chức 244 lượt kiểm tra , qua đó phát hiện 39 trường hợp vi phạm.
Đối với huyện U Minh, theo ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, đến thời điểm này có hơn 18.500 hộ dân ký cam kết không sử dụng các loại kích điện để khai thác thuỷ sản. Đồng thời, địa phương thu nộp hơn 372 bộ kích điện và đang chỉ đạo quyết liệt trong tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Liên quan đến các nhiệm vụ chống khai thác IUU và thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đối với việc chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, các sở, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời tăng cường kiểm tra để xử lý các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu mất kết nối. Tăng cường lực lượng, đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chống khai thác IUU và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung thực hiện công tác phòng chống thiên tai.
Phó chủ tịch Phụ trách điều hành UBND tỉnh Lâm Văn Bi đề nghị các sở, ngành và các huyện, thành phố rà soát lại các nhiệm vụ đã được giao và phải hoàn thành theo đúng thời gian đề ra.
Phát biểu chỉ đạo, Phó chủ tịch Phụ trách điều hành UBND tỉnh Lâm Văn Bi đề nghị các sở, ngành và các huyện, thành phố rà soát lại các nhiệm vụ đã được giao trong tháng 8 và phải hoàn thành theo đúng thời gian đề ra, nếu đơn vị nào để sót lọt nhiệm vụ, ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, điều hành chung thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Tính toán và tìm giải pháp lâu dài cho vùng ngọt hóa Trần Văn Thời, không để kéo dài tình trạng bị động như đã qua. Tiến hành khảo sát, đánh giá để xác định lại nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở ven sông như hiện nay, từ đó có giải pháp phù hợp.
Chỉ đạo về công tác chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, Phó chủ tịch phụ trách điều hành UBND tỉnh cho rằng, thời gian qua các cấp, các ngành đã làm tích cực nhưng mới chỉ ở việc vận động để nộp dụng cụ, đây là giải pháp ban đầu quan trọng. Tuy nhiên, tới đây phải làm toàn diện hơn các giải pháp, chọn những cái dễ làm trước và có lộ trình kết thúc tình trạng khai thác nguồn lợi có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh.
Trong 7 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển. Nổi bật, tổng sản lượng thuỷ sản tăng 1,7%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 9,2%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,3%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng; thực hiện tốt công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, bảo trợ xã hội,… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Sản lượng tôm chế biến lũy kế 7 tháng vẫn còn giảm 0,4% so cùng kỳ; tình hình xuất khẩu của một số doanh nghiệp còn khó khăn, chi phí vận tải biển tăng cao, đặc biệt là cước tàu đi EU, Mỹ và Canada;... |
Nguyễn Phú - Chí Diện