ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 01:31:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tiếp tục đổi mới và nâng cao vị thế, khẳng định vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn

Báo Cà Mau Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 03/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh phiên họp.

Sửa đổi Luật nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, việc sửa đổi Luật đáp ứng yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do Luật Công đoàn được ban hành trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, nên có những quy định của Luật Công đoàn chưa hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp. Sau Đại hội XII, XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của hệ thống chính trị và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tổ chức Công đoàn, như: Luật Việc làm (năm 2013), Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014), Luật Doanh nghiệp (năm 2014), Luật An toàn, vệ sinh lao động (năm 2015), Bộ luật Tố tụng dân sự (năm 2015), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (năm 2022), Luật Nhà ở (năm 2023)... Đặc biệt, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua tháng 11/2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), với nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền công đoàn tại doanh nghiệp, khác biệt so với các quy định của Luật Công đoàn. Do đó, Luật Công đoàn cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Đồng thời, hội nhập quốc tế là một xu hướng tất yếu, đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của ILO. Những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do nêu trên, đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ lao động và “nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn”.

Về địa vị pháp lý của Công đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ, nội dung này được quy định tại Điều 1 Luật Công đoàn 2012. Do được ban hành trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, nên một số nội dung tại Điều 1 nêu trên chưa hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp. Quy định Công đoàn “cùng với” cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội “chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” đã làm mờ nhạt vai trò của tổ chức Công đoàn, đồng thời gây khó khăn cho việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm và không phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật Công đoàn. Bên cạnh đó, việc xác định và sắp xếp thứ tự các đối tượng Công đoàn đại diện cũng được xem xét để đảm bảo “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động” trong bối cảnh mới, khi mà công nhân, lao động đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đoàn viên, người lao động cả nước.

Trên cơ sở quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi Điều 1 theo hướng bổ sung rõ khái niệm “Công đoàn Việt Nam”; bỏ các cụm từ “là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam” và “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội”; sắp xếp lại các cụm từ “đại diện cho công nhân, người lao động, cán bộ, công chức, viên chức”, “tham gia kiểm tra, thanh tra và giám sát” để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Các đại biểu tại phiên họp.

Về quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ ra rằng, Điều 10 Luật Công đoàn 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng, cụ thể để tổ chức Công đoàn thực hiện có hiệu quả quyền, trách nhiệm của mình trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo Bộ luật Lao động 2019 thì các quy định tại điều này phải được tiếp tục duy trì và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Theo đó, Công đoàn có quyền, trách nhiệm: Đối thoại với người sử dụng lao động; Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; Tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động; Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động... theo quy định của pháp luật lao động.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã bổ sung mới một số quyền, trách nhiệm của công đoàn nhằm bảo đảm sự thống nhất với các đạo luật khác đã quy định cho Công đoàn: Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (khoản 11 Điều 11 dự thảo Luật); Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước (khoản 12 Điều 11 dự thảo Luật); Quản lý, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên theo Luật An toàn, vệ sinh lao động. Tham gia điều tra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật (khoản 13 Điều 11 dự thảo Luật); Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế công đoàn phục vụ đoàn viên công đoàn và người lao động theo quy định của pháp luật (khoản 14 Điều 11 dự thảo Luật).

Khẳng định vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn

Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội, ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến góp ý của một số Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tuy nhiên, các quy định của dự án Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, khái quát về các nội dung xác định tại phạm vi điều chỉnh. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo Luật. Trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới, đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hết sức quan tâm đến việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong việc tập trung phát triển về số lượng gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò công đoàn cơ sở, thu hút và kết nạp được đông đảo hơn nữa người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam để xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Ủy ban Xã hội nhất trí với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật và thấy rằng, còn nhiều vấn đề cần thiết khác phải được đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) như: Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, phong trào công nhân, khuyến khích xã hội hóa nguồn lực. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để việc sửa đổi các chính sách trong dự án Luật bảo đảm toàn diện, sâu sắc, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn.

Về địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với quy định địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam tại Điều 1. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam cần quy định theo hướng phân chia thành hai nhóm quy phạm theo chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam theo đúng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đó là Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội và Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động. Mặc dù Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giải trình tại Báo cáo số 51/BC-TLĐ ngày 19/4/2024, song đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục quan tâm nghiên cứu ý kiến này để tiếp thu hoặc giải trình thấu đáo hơn.

Về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, Khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật quy định thời giờ làm việc trong một tháng đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương đang đề xuất 02 phương án: Phương án 1 giữ như Luật hiện hành, quy định “cứng” là 12 giờ cho mỗi cán bộ công đoàn; Phương án 2 quy định tổng  thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn.

Ủy ban Xã hội thấy rằng, khoản 2 Điều 176 của Bộ luật Lao động đã quy định; “Chính phủ quy định thời gian tối thiểu mà người sử dụng lao động dành cho toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện trên cơ sở số lượng thành viên của tổ chức”. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình thêm về việc quy định nội dung này trong dự thảo Luật cũng như lấy ý kiến Chính phủ, các cơ quan theo quy định (dự án Luật khi xin ý kiến Chính phủ chưa có nội dung này), đồng thời, nghiên cứu có quy định đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách tại công đoàn cơ sở ở các trường học, khu công nghiệp còn đang vướng mắc để bảo đảm tính khả thi.

Ngoài các nội dung trên, Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu các nội dung như: bảo đảm chính sách dân tộc; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật; hồ sơ dự án Luật; tính khả thi; giải thích từ ngữ (Điều 4); hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10); về quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của Công đoàn (Điều 11); tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động (Điều 18); quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với người lao động ở đơn vị sử dụng lao động chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (Điều 20); trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn (Điều 24); bảo đảm về tổ chức, cán bộ (Điều 26); mối liên hệ giữa dự thảo Luật và Điều lệ Công đoàn…

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp

Các đại biểu nghe báo cáo, nghiên cứu tài liệu tại phiên họp./.

 

Theo quochoi.vn

 

Quốc hội họp đợt 2 Kỳ họp thứ 8, thông qua 18 luật và 10 dự thảo nghị quyết

Sau 1 tuần nghỉ giữa kỳ họp (để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết), sáng 20/11, Quốc hội bước vào đợt 2 Kỳ họp thứ 8 với nội dung trọng tâm là biểu quyết thông qua 18 dự án luật và 10 dự thảo nghị quyết.

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

Đầu tư 12.728 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng tuyến đường đoạn TP Cà Mau - Đất Mũi

Đường Hồ Chí Minh đoạn từ TP Cà Mau đến Mũi Cà Mau (trong đó đoạn TP. Cà Mau đến thị trấn Năm Căn đi trùng Quốc lộ 1) nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc với kế hoạch triển khai trước năm 2030.

Thư chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024), thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, và với tình cảm cá nhân, tôi thân ái gửi đến quý thầy giáo, cô giáo, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục trong tỉnh lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Ghi nhận ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Cà Mau khoá X

Ngày 19/11, HĐND tỉnh thành lập nhiều tổ đại biểu tổ chức tiếp xúc cử tri ở các địa phương trong tỉnh, nhằm ghi nhận những ý kiến, đề xuất và nguyện vọng của bà con, trình lên kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Cà Mau khoá X sắp tới.

Khởi công xây dựng Di tích Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

Sáng nay (19/11), tại xã Trần Phán (huyện Đầm Dơi), tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi công Dự án xây dựng Di tích lịch sử Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Đây là một trong 7 công trình được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chọn chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Khai mạc Hội chợ Thương mại - Tiêu dùng ở thị trấn Sông Đốc

Tối 18/11, Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Xúc tiến thương mại Phan Gia tổ chức Hội chợ Thương mại – Tiêu dùng nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024),  tại bờ Bắc Sông Đốc, Khóm 9, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Ông Dư Minh Hùng giữ chức vụ Giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau

Ngày 18/11, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai quyết định công tác cán bộ tại Sở Giao thông vận tải tỉnh. Đến dự hội nghị có Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cùng lãnh đạo sở, lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc Sở Giao thông vận tải.

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 523/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao Huân chương Lao động hạng Ba, tặng Trường đại học Kinh tế. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo. Báo Cà Mau Online trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.