(CMO) Thời gian qua, Cà Mau đẩy mạnh phát triển và hỗ trợ các kênh tiêu thụ sản phẩm đặc sản, đặc trưng bằng nhiều hình thức, trong đó có việc hỗ trợ phát triển nhiều cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm. Năm 2022, UBND tỉnh ban hành một số chương trình hỗ trợ rất thiết thực cho các chủ thể này, như bán hàng theo kênh truyền thống; đồng thời, đẩy mạnh đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết: "Ngoài sàn TMĐT trong tỉnh, đã qua, sở còn đưa sản phẩm đặc sản, đặc trưng của các chủ thể lên các sàn TMĐT lớn như Tiki, Lazada, Shopee... hay các sàn TMĐT lớn của thế giới là Amazon, Alibaba... Việc bán hàng qua các kênh siêu thị hiện đang phát triển, một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hiện có nhiều đại lý phân phối các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh Cà Mau".
Ông Hồng Phúc Ngươn, chuyên viên phụ trách sàn TMĐT Cà Mau, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC), cho biết, sàn TMĐT của tỉnh Cà Mau có tên miền là madeincamau.com được xây dựng và vận hành với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, quảng bá sản phẩm hàng hoá của tỉnh; đặc biệt là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm mang nhãn hiệu bảo hộ của tỉnh. Đồng thời, kết nối để tiêu thụ hàng hoá cũng như phát triển chỉ số TMĐT địa phương.
Tại cửa hàng của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Minh Thảo, Khóm 8, Phường 8, TP Cà Mau trưng bày bán các sản phẩm OCOP của công ty và nhiều sản phẩm đặc trưng khác của tỉnh. |
Theo đó, trong quá trình vận hành sàn TMĐT Cà Mau, iPEC đã ưu tiên giới thiệu, mời doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh có sản phẩm đạt các chứng nhận nêu trên để đa dạng hoá các sản phẩm đạt chất lượng cao tham gia sàn TMĐT của tỉnh. Đến nay, iPEC đã liên hệ hầu hết các cơ sở đạt chứng nhận này tham gia sàn, trong đó có giới thiệu chính sách, hỗ trợ hướng dẫn tạo tài khoản, đăng tải thông tin sản phẩm… Theo thống kê, trên sàn TMĐT Cà Mau hiện trưng bày 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và nhãn hiệu được bảo hộ (có nhiều sản phẩm đạt đồng thời cả 2 chứng nhận này).
Tuy nhiên, theo ông Ngươn, số lượng giao dịch trực tiếp đối với các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu thông qua sàn TMĐT chưa cao. Nguyên nhân, thời gian qua sàn TMĐT Cà Mau chưa được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng các địa phương khác trong cả nước. Lượng đơn hàng phát sinh trên sàn TMĐT đối với sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu còn hạn chế (do sàn mới hoạt động hơn 1 năm và đang tập trung đa dạng hoá các sản phẩm nên việc quảng bá đến người mua, người tiêu thụ ngoài tỉnh chưa được nhiều). Dù đã được mời gọi, hướng dẫn, nhưng một số cơ sở thiếu nguồn nhân lực để phát triển TMĐT, nguồn nhân lực chưa được đào tạo, tập huấn cơ bản về kỹ năng TMĐT nên còn hạn chế trong việc vận hành, quản lý gian hàng.
Nhằm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh thông qua TMĐT, thời gian tới, iPEC sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trưng bày trực tuyến (như phối hợp Sở Công thương hỗ trợ một số sản phẩm đủ điều kiện tham gia Gian hàng Việt trực tuyến), ứng dụng các nền tảng TMĐT.
Theo đó, sẽ tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng TMĐT, iPEC sẽ tạo lập và quản lý gian hàng tỉnh Cà Mau trên các sàn TMĐT lớn và trưng vày các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ DN tạo lập tài khoản, vận hành gian hàng riêng nếu đủ nhân sự quản lý. Đẩy mạnh quảng bá sàn TMĐT Cà Mau đến người mua và người tiêu dùng các địa phương khác trong cả nước.
Ông Dương Vũ Nam thông tin: "Ngành công thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ DN xúc tiến thương mại kết hợp vừa theo hình thức truyền thống vừa kết hợp TMĐT. Trong đó, tập trung đào tạo các chủ thể OCOP, các sản phẩm đặc trưng nhằm tham gia hoạt động TMĐT hiệu quả hơn. Đồng thời, hỗ trợ thay đổi mẫu mã để sản phẩm bắt mắt, phù hợp với thị hiếu, thị trường, đủ sức cạnh tranh với các tỉnh bạn"./.
Phúc Duy