Ðều đặn mỗi tháng, vợ chồng chị Quách Kiều Phụng (Tư Phụng) dành riêng 2 ngày để đón những vị khách đặc biệt tại nhà (Ðường số 3, Phường 5, TP Cà Mau). Khách đến trước là nhiều nhóm nhà hảo tâm, mạnh thường quân tất bật chuẩn bị; còn khách đến sau là những người chạy thận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Quà cũng rất đặc biệt: 7 sợi dây truyền dịch và 200 ngàn đồng. Ðó cũng là 2 ngày ấm áp với những mảnh đời trân quý từng phút giây được sống.
Lý giải về món quà đặc biệt này, chị Tư Phụng cho biết: "Bệnh nhân bị suy thận mạn tính phải chạy thận 3 lần/tuần, khoảng 4 tiếng/lần. Bệnh nhân có sổ hộ nghèo, cận nghèo, có bảo hiểm y tế sẽ có 4-5 sợi dây truyền dịch, mỗi lần chạy 1 sợi dây. Như vậy, mỗi tháng họ cần thêm 7 sợi dây và thêm chi phí thuốc, đạm, đi lại, bồi dưỡng...
Mỗi lần chạy thận, bệnh nhân cần 1 sợi dây truyền dịch; đều đặn 3 lần/tuần. Ðây là món quà ý nghĩa đối với bệnh nhân suy thận mãn tính. (Trong ảnh: Chị Tư Phụng và các nhà hảo tâm chuẩn bị “quà” cho bệnh nhân chạy thận).
“Mỗi tháng thông qua kêu gọi, chúng tôi ưu tiên 100 bệnh nhân ở độ tuổi trẻ (dưới 40 tuổi, lứa tuổi lao động) và người già yếu, neo đơn; nếu số tiền đóng góp lớn hơn thì tôi tiếp tục xét đối tượng khác. Cố gắng duy trì mỗi tháng để người bệnh vơi bớt nhọc nhằn. Thật ra, với họ, mỗi phút giây như lưỡi hái tử thần lơ lửng...”, chị Phụng giãi bày.
Gắng gượng... vì không đơn độc
Vừa kết thúc lần chạy thứ 2 trong tuần, bà Ngô Mỹ Huyền (quê huyện Năm Căn) rưng rưng: “13 năm sự sống của tôi chỉ nhờ thuốc và máy móc hỗ trợ. Chồng bỏ từ năm tôi phát bệnh. Con lớn bệnh bại não, mọi gánh nặng đè lên vai con gái, mà nó lo thân còn không đặng”.
Vén bàn tay nổi từng cục u to do chạy thận quá nhiều lần, bà Huyền run run quệt nước mắt, kể: “Hồi trước tôi có đi bán vé số, nhưng sức khoẻ ngày càng suy kiệt, chỉ quẩn quanh xóm trọ, bữa ăn nhờ có bếp từ thiện, còn chi phí chạy thận ngần ấy năm nay nhờ hết vào vợ chồng cô Phụng thương giúp. Cô giúp nhiều hoàn cảnh lắm. Giúp tiền chạy thận, cho gạo, cho quà, có gì cô cũng kêu. Chúng tôi biết ơn vô cùng!”.
Người thanh niên mặt sạm đen khắc khổ, mệt mỏi vì sắp đến “cữ” chạy thận, xúc động: “Nếu không được hỗ trợ dây chạy thận và tiền thì chắc tôi không gắng gượng được tới giờ”. Anh Sang ở huyện Ðầm Dơi, 4 năm chạy thận, anh ở trọ một mình, sức khoẻ bị bệnh tật bào mòn. Cuộc sống với anh mỗi ngày là chật vật chờ đợi, nhưng nhờ tình người ấm áp đã giúp anh mạnh mẽ hơn. Thường tranh thủ đến nhà chị Phụng sớm để phụ giúp, anh Sang bộc bạch: “Tôi trân quý những phút giây có thể làm điều có ích”.
Trong 2 ngày, 28-29/9, vợ chồng chị Tư Phụng cùng nhà hảo tâm, mạnh thường quân trao quà tháng 9 cho bệnh nhân chạy thận nghèo, khó khăn.
Có mặt tại buổi phát quà hôm 28/9, mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng cái chung ở họ là sự gắng gượng để được sống, vì họ không cảm thấy đơn độc. Bên cạnh họ tuy là người dưng nhưng sẵn sàng đồng hành, sẻ chia yêu thương và giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật.
Cùng nhau... níu giữ sự sống
"Không có nhà hảo tâm, mạnh thường quân, tôi không thể làm được gì đâu. Tôi mong mỗi tháng sẽ có nhiều hơn những đóng góp để có thể giúp nhiều hơn những mảnh đời mắc căn bệnh quái ác này", chị Tư Phụng trần tình. Bởi hiện nay, người phải chạy thận, lọc máu định kỳ tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh hơn 400. Dù là người giàu, người khá giả đến đâu thì khi phải sống chung với bệnh suốt đời cũng dần lâm cảnh khốn khó; đối với người vốn dĩ đã nghèo thì căn bệnh sẽ khiến họ khổ đến cùng cực.
Hiện số người phải chạy thận, lọc máu định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hơn 400 người. Mỗi người mỗi cảnh, phần đông rơi vào cảnh khó khăn, vì phải chạy thận 3 lần/tuần, đến suốt đời.
Trước đây, chị Quách Kiều Phụng là Ðiều dưỡng trưởng Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau; chồng chị - anh Trần Quốc Bình, là Trưởng phòng Công tác xã hội của Bệnh viện. Khi ấy, khoa của chị đối diện Khoa Lọc máu, chứng kiến những người chạy thận nghèo phải ngủ vật vờ ngoài hành lang, ăn uống kham khổ, thân nhân cũng vật vạ quanh bệnh viện, vợ chồng chị thương cảm. Cuối năm 2020, vợ chồng chị kêu gọi sự chung tay của những tấm lòng nhân ái làm chương trình Tết cho người bệnh thận nghèo (khoảng hơn 100 người).
Chị Tư Phụng cẩn thận lưu giữ danh sách người bệnh, có sổ ghi thu - chi, có người đại diện ký nhận mỗi tháng trao quà.
"Khi biết tôi có ý nghĩ duy trì chương trình hằng tháng cho bệnh nhân suy thận nghèo khó, rất nhiều tấm lòng ủng hộ từ vài chục, vài trăm lên đến chục triệu đồng mỗi tháng... Tình người ấm áp! Nhờ đó mà chương trình được duy trì tới nay, kể cả khi dịch Covid-19 bùng phát, yêu thương vẫn sẻ chia đủ đầy. Chỉ thương, danh sách lúc vơi, lúc đầy, lúc quá tải... không thể nào cố định... Tháng nào cũng có người ra đi mãi mãi", chị Phụng bùi ngùi.
Lúc đầu, chị Phụng đến tận giường bệnh phát hỗ trợ, nhưng khoảng 3 năm nay, khi nghỉ hưu, chị chuyển về nhà và dành riêng 2 ngày cuối tháng thông báo người bệnh đến nhận. Ðể không bỏ sót đối tượng, chị Phụng trực tiếp làm việc với Khoa Lọc máu, đi khảo sát từng trường hợp, kể cả cậy nhờ những người bệnh "thâm niên", kịp thời bổ sung danh sách 100 người ưu tiên. Chị còn lập sổ thu - chi, có đại diện ký nhận. Chính sự rõ ràng, minh bạch, tận tâm, tấm lòng vì người bệnh nghèo mà mỗi tháng khi chị kêu gọi đóng góp hỗ trợ bệnh nhân thận trên Facebook đều nhận được rất nhiều sự quan tâm, sẻ chia.
Ðồng hành xuyên suốt hành trình đấu tranh giành sự sống của bệnh nhân thận với vợ chồng chị Phụng, chị Huỳnh Kiều Diễm (Phường 5, TP Cà Mau) chia sẻ: "Sự sống của người bệnh thận mong manh lắm. Tôi đã gặp rất nhiều mảnh đời, cảm nhận rất rõ mong muốn mãnh liệt của họ là được sống. Ðiều đó trở thành động lực cho tôi và rất nhiều tấm lòng nhân ái cố gắng giúp nhiều hơn, chí ít là sợi dây truyền dịch mỗi lần tới "cữ". Mong rằng sẽ có nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân thấu hiểu và đồng hành níu giữ sự sống cho họ".
Ðối với những người sống nhờ vào thuốc và máy móc, lằn ranh sống - chết thực sự mong manh.
Chính bởi cuộc sống mong manh, nên sự ra đi được dự báo trước, chỉ là thời gian, khi ấy, anh chị Tư Phụng - Quốc Bình lại trở thành người kết nối đến các địa chỉ nhân đạo, tận tình lo hậu sự, từ giúp chi phí về quê, đến những việc nhỏ nhất khi mai táng. Có trường hợp neo đơn, anh chị "xin tiền" lo hoả táng rồi gửi vào chùa.
Cùng xây mái ấm yêu thương
"Tôi mong ước xây được "nhà tạm trú" theo kiểu dãy trọ sạch sẽ, mát mẻ cho những bệnh nhân suy thận nghèo, để họ có những tháng ngày sống tốt hơn, sự sống dài hơn, ấm áp hơn. Chỉ cần có ai đó mở lòng nhân ái hiến một mảnh đất gần bệnh viện, chúng tôi sẽ dốc sức vận động xây gấp rút "mái ấm" này", chị Tư Phụng bày tỏ. Vì lẽ, chị thường tới lui "xóm chạy thận" là những khu trọ của người bệnh thận và người thân của họ. Nơi đó ọp ẹp, ngột ngạt, giá thuê cũng không hề rẻ trong khi họ đã "sức cùng lực kiệt". Chưa kể, bệnh nhân chạy thận ngày càng nhiều, độ tuổi ngày càng trẻ.
Chị Tư Phụng ân cần thăm hỏi sức khoẻ bệnh nhân để kịp thời kêu gọi giúp đỡ họ qua cơn khốn khó.
Dẫu rằng khi trò chuyện, cảm nhận được tinh thần lạc quan, sự kiên cường của họ trong hành trình giành sự sống, nhưng sâu thẳm là nỗi đau bệnh tật và cuộc chiến đấu còn lâu dài, gian nan.
"Cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng về vật chất cũng như tinh thần, để những yêu thương lan toả, góp phần giúp người bệnh có thêm nghị lực, bền bỉ vượt lên nghịch cảnh”, chị Tư Phụng trải lòng./.
Băng Thanh - Hữu Nghĩa