(CMO) Bước sang tháng 1/2020, nhiều văn bản pháp luật mới có hiệu lực, trong đó có các quy định về lương, xử lý vi phạm hành chính… có tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội.
Bỏ hoang đất không thuộc trường hợp bất khả kháng sẽ bị phạt
Theo Nghị định 91/NĐ-CP/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020, hàng loạt mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây); phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức nếu tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang đất ở (tăng 10 lần mức phạt so với trước đây).
Hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có Sổ đỏ sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng với cá nhân và 40 triệu đồng với tổ chức (tăng 04 lần mức phạt so với trước đây)…
Đáng lưu ý, đối với hành vi bỏ hoang đất mà không thuộc trường hợp bất khả kháng, mức phạt có thể đến 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tổ chức (mức phạt này trước đây chưa hề được quy định).
Đối với hành vi bỏ hoang đất mà không thuộc trường hợp bất khả kháng, mức phạt có thể đến 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tổ chức |
Bổ sung nhiều trường hợp văn bằng, chứng chỉ bị hủy bỏ
Thông tư 21 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế quản lý, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu lực từ ngày 15/1/2020 đã bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi, huỷ bỏ văn bằng, chứng chỉ là “do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ”.
Bên cạnh đó, còn có các trường hợp khác đã được quy định trước đây như: Người được cấp văn bằng gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án để được cấp văn bằng, chứng chỉ; Văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xoá, sửa chữa…
Từ ngày 15/1/2020, sẽ có thêm nhiều trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ. |
Cũng theo Thông tư này, các trường đại học chỉ được in phôi chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân theo mẫu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (trước đây, các trường đại học được tự chủ in phôi chứng chỉ, trừ chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh).
Tăng lương tối thiểu vùng
Theo Nghị định 90/NĐ-CP/2019 của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ được điều chỉnh tăng, cụ thể: Vùng I: Tăng từ 4,18 triệu đồng/tháng lên 4,42 triệu đồng/tháng; Vùng II: Tăng từ 3,71 triệu đồng/tháng lên 3,92 triệu đồng/tháng; Vùng III: Tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,43 triệu đồng/tháng; Vùng IV: Tăng từ 2,92 triệu đồng/tháng lên 3,07 triệu đồng/tháng.
Khi mức lương tối thiểu vùng tăng, những người lao động đang có mức lương dưới mức lương tối thiểu vùng; những người làm công việc đã qua đào tạo, học nghề có mức lương dưới 7% mức lương tối thiểu vùng sẽ được tăng lương.
Hợp đồng cho vay tiêu dùng phải nêu rõ thỏa thuận về hình thức và thời gian nhắc nợ
Thông tư 18 năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi Thông tư 43 năm 2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã siết chặt hơn các quy định đối với công ty tài chính trong việc thúc giục đòi nợ khách hàng.
Theo đó, ngoài việc yêu cầu các công ty này không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 21 giờ như trước đây; Thông tư này còn bổ sung một số yêu cầu mới, chẳng hạn, không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ như người thân của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỉ được nhắc nợ đối với khách hàng tối đa 5 lần/ngày. Trong hợp đồng cho vay tiêu dùng phải có thỏa thuận về hình thức nhắc nợ và thời gian nhắc nợ; phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật./.
Theo SGGP online