(CMO) Với quyết tâm thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP), huyện Thới Bình đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm khai thác những đặc trưng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện Thới Bình chọn được một số sản phẩm tham gia chương trình OCOP như: Rượu đế Tân Lộc (xã Tân Lộc), khô trâu (Tân Lộc Bắc), lúa - gạo ST24 (xã Trí Lực), mắm Thới Bình (thị trấn Thới Bình)… Đây là những sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích và công nhận chất lượng.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau kiểm tra thực tế mô hình tôm càng xanh trên ruộng lúa đặc sản ST24 tại Ấp 5, xã Trí Lực. |
Nổi tiếng từ lâu đời với hương vị đặc trưng được nhiều người ưa chuộng, rượu Tân Lộc là loại rượu truyền thống uy tín, chất lượng và là loại rượu có hương vị độc đáo. Rượu Tân Lộc có nồng độ từ 35-45 độ, có mùi thơm nồng. Xã Tân Lộc hiện có khoảng 50 hộ nấu rượu đế Tân Lộc. Rượu được bán không chỉ trong tỉnh mà còn được tiêu thụ ở các tỉnh bạn. Tuy nhiên, rượu đế Tân Lộc rất dễ bị làm giả, nên cần được công nhận nhãn hiệu tập thể để bảo tồn chất lượng cũng như uy tín của loại rượu này.
Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Nguyễn Văn Toàn chia sẻ: “Rượu đã có thương hiệu và có tiếng nhưng gần đây có một số đơn vị lấy thương hiệu Rượu Tân Lộc để mở rộng kinh doanh mua bán, do đó tôi có kế hoạch xin dự án của Trung tâm Ứng dụng Khoa học tỉnh để khôi phục và phát triển nhãn hiệu, đưa rượu đế Tân Lộc trở thành sản phẩm đặc trưng của xã”.
Xã Tân Lộc Bắc được biết đến là xứ sở của các món ngon từ thịt trâu, đặc biệt là món khô trâu do người dân nơi đây chế biến. Với hương vị đặc trưng và bí quyết riêng nên khô trâu cơ sở sản xuất Năm Hoàng tại Ấp 3 rất được ưa chuộng. Mỗi năm cơ sở bán trên 2 tấn khô trâu, đắt hàng nhất là vào dịp tết.
Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc Lâm Thị Trúc Mai cho biết: “Để tiếp tục duy trì và tiến tới công nhận thương hiệu sản phẩm khô trâu Tân Lộc Bắc, xã đã đăng ký tham gia chương trình OCOP của huyện năm 2020. Qua đó, nhằm đưa sản phẩm khô trâu sản xuất theo quy trình khép kín đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ cho người sử dụng”.
Tại xã Trí Lực, có loại lúa sạch ST24 được sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho thu hoạch đạt gần 5 tấn/ha, được nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm (với giá 7.750 đồng/kg, cao hơn lúa thường khoảng 2.000 đồng/kg). Phó chủ UBND xã Trí Lực Hà Minh Sữa cho hay: “Chất lượng gạo ST24 của xã Trí Lực thì khỏi phải bàn, đây là loại gạo được chứng nhận ngon trên thế giới. Xã đã xây dựng thương hiệu gạo Trí Lực bán thử hơn 1 năm nay, không chỉ trong tỉnh mà còn xuất bán khắp nơi, đến cả TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu”.
Cuối năm 2018, lúa ST24 đã được huyện xây dựng Đề án bảo hộ nhãn hiệu “Lúa sạch Thới Bình”, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp chứng nhận, góp phần khẳng định sản phẩm đặc trưng của địa phương, cũng như tăng giá trị sản phẩm lúa được canh tác trên vùng đất lúa - tôm xã Trí Lực.
Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng cho hay: “Huyện đang xây dựng sản phẩm OCOP từng xã, nếu làm tốt việc này sẽ làm thay đổi đến ý thức của người dân, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó sản xuất sẽ bền vững hơn”./.
Thuỳ Linh