(CMO) Đó là chỉ đạo của Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương tại buổi giám sát thực tế tình hình thực hiện các điều ước Quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên vừa diễn ra chiều ngày 26/8 tại tỉnh Cà Mau.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Cà Mau là tỉnh có 3 mặt giáp biển, chịu tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển làm mất đai rừng phòng hộ ở nhiều đoạn, từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển của tỉnh Cà Mau bị mất trên 8.870 ha. Nguy cơ là vỡ đê biển Tây, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 26.160 hộ dân và 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.Trong đó, bờ biển Tây bị xói lở có chiều dài khoảng 57 km, nhiều đoạn xói lở sâu vào thân đê, nguy cơ vỡ đê cao. Riêng về phía biển Đông, tình trạng xói lở đã xảy ra với chiều dài 48 km, nhiều đoạn xói lở sâu làm mất đất rừng phòng hộ có chiều dài từ 80 - 100 m/năm. Tính từ ngày 2- 12/8 vừa qua, mưa lớn kèm theo giông, lốc, sét, triều cường dâng cao trên 1 mét nước làm tràn đê biển Tây, ngập 2.389 căn nhà, sập và tốc mái gần 1.300 căn nhà, làm chết 1 người, bị thương 2 người, nhiều ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trên 40,3 tỷ đồng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (người đứng thứ 4 từ trái sang) cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử khảo sát đê biển Tây đoạn từ cống Đá Bạc đến Vàm Kinh Mới.
Ông Hoai cho biết thêm, để khắc phục tình trạng nói trên, tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống sạt lở bờ biển, cũng như huy động nhiều nguồn vốn, áp dụng nhiều giải pháp phi công trình và công trình khắc phục xói lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài hơn 28,7km, tổng mức vốn đầu tư trên 956 tỷ đồng, chủ yếu trên tuyến biển Tây. Hiện nay còn trên 23,4km khu vực biển Đông sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần đầu tư để khắc phục kịp thời.
Đầm Dơi là một trong những địa phương ven biển, chịu tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Chí Thuần cho biết: Từ đầu năm đến nay trên địa bàn xảy ra 28 vụ sạt lở bờ sông, ven biển, thiệt hại trên 25 tỷ đồng.Vào cuối năm thủy triều dâng cao làm ngập nhiều bờ bao nuôi tôm của người dân và khoảng 50% lộ giao thông nông thông của địa phương bị ngập tràn, địa phương đang gặp khó trong việc khắc phục vấn đề này.
Là địa phương vùng ngọt hóa bắc Cà Mau, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Lê Phong cho biết, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho sản xuất của người dân gặp khó khăn và xảy ra hầu như các mùa trong năm. Do không có nguồn nước ngọt cấp bổ sung vào mùa khô nên mực nước phía trong nội đồng hạ thấp gây ra tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, tác động xấu đến sản xuất, làm tăng nguy cơ cháy rừng. Vào mùa mưa nước dâng cao với cường độ ngày càng tăng, làm cho rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá nặng nề. Ông Phong kiến nghị: Hiện nay, trên địa bàn huyện còn khoảng 1.300 hộ dân thuộc dạng phải di dời, trong đó có khoảng 500 hộ cần phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng lại thiếu vốn thực hiện khu tái định cư. Vì vậy kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ khẩn cấp.
Riêng trong thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt thực hiện công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tỉnh Cà Mau được các tổ chức quốc tế hỗ trợ, viện trợ thực hiện 10 dự án, với tổng nguồn vốn trên 200 triệu USD. Đặc biệt, dự án bảo vệ nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, giai đoạn 2012- 2018 với tổng vốn đầu tư trên 117 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử kiến nghị xem xét cho tỉnh Cà Mau được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà không phải áp dụng cơ chế ngân sách tỉnh vay lại vốn ODA. Đồng thời xem xét cho tỉnh được tăng hạn mức huy động vốn để đầu tư bố trí cho các dự án phòng chống sạt lở ven biển, khôi phục rừng phòng hộ ven biển.
Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử kiến nghị Trung ương thống nhất chủ trương để tỉnh thực hiện cơ chế xử lý khẩn cấp đối với các công trình xử lý sạt lở bờ biển, đê biển. Vì làm đúng quy trình sẽ mất rất nhiều thời gian, không thể xử lý kịp thời sự cố dẫn đến vỡ đê gây thiệt hại lớn cho địa phương. Trước mắt kiến nghị Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ 73,9 tỷ đồng để triển khai thực hiện các công trình khẩn cấp bảo bệ tuyến đê biển Tây. Về lâu dài kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành hỗ trợ 1.400 tỷ đồng để địa phương di dời dân cư vào sinh sống ổn định ở các cụm tuyến dân cư mới giai đoạn 2016- 2020 và lộ trình đến năm 2025. Trước mắt, hỗ trợ 622 tỷ đồng để tỉnh thực hiện khẩn cấp 12 dự án di dời dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau.
Chia sẻ với những khó khăn của địa phương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, qua khảo sát thực tế mới thấy Cà Mau đang chịu ảnh hưởng thiên tai quá khốc liệt. Do vậy, cần phải có cái nhìn thực tế, nhận diện hiện trạng để hành động kịp thời, mang lại hiệu quả rõ ràng, tạo chuyển biến tích cực. Qua đợt giám sát này các thành viên cùng đi trong đoàn góp thêm tiếng nói tác động đến các Bộ, ngành Trung ương thấy hết những khó khăn mà địa phương gặp phải, kịp thời có những giải pháp ứng phó thiên tai, ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng một cách hiệu quả, bền vững.
Riêng trong thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên tỉnh cần phải thực hiện tốt các điều ước quy định như đã cam kết với các bên. Nhất là các dự án giảm phát thải nhà kính, dự án bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển, thực hiện các giải pháp công trình nhằm tạo bãi, khôi phục đai rừng phòng hộ./.
Trung Đỉnh