(CMO) Vấn đề rác thải, xử lý rác thải của Nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau và cách xử lý của chính quyền đối với vấn đề này như thế nào là vấn đề được quan tâm đặc biệt tại cuộc họp giao ban báo chí tháng 8/2018. Cuộc họp tổ chức chiều 15/8, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT cùng Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau chủ trì.
Cuộc họp nhận được hơn 20 câu hỏi đặt ra cho các ngành liên quan: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Công thương… Trong đó, đa số là những câu hỏi tập trung vào việc xử lý môi trường của Nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau và những quyết sách trong lĩnh vực này nhằm giải toả thế “độc quyền” trong xử lý rác thải.
Ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó giám đốc Sở TN&MT trả lời tại buổi họp giao ban.
Về vấn đề nhà máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó giám đốc Sở TN&MT cho hay, Sở đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra nhà máy và ghi nhận, việc gây ô nhiễm là có thật. Hệ thống xử lý nước rỉ rác đang vận hành nhưng nước vẫn tràn lan nhiều nơi và hệ thống đốt rác khó kiểm soát. Nhà máy xin dừng bảo trì là để cải tạo những hệ thống này.
Về vấn đề “rác như núi” ở phía trước nhà máy, tồn từ lần bảo trì nhà máy năm 2015 đến nay chưa xử lý. Ông Dư Minh Hùng cho hay, đã yêu cầu nhà máy xử lý dứt điểm lượng rác tồn này sau khi nhà máy trở lại hoạt động để trả lại quỹ đất đã mượn. Còn việc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (chủ nhà máy rác) đề nghị tỉnh giao thêm 10 ha trong dự án, ông Hùng cho biết, đã đề nghị doanh nghiệp chứng minh tính hiệu quả và nhu cầu sử dụng đất hợp lý thì tỉnh mới giao thêm.
Nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau với tổng mức đầu tư hơn 329 tỷ đồng, trong đó, Trung ương hỗ trợ 40%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 10%. Theo cam kết ban đầu, nhà máy sẽ sản xuất phân compost và đốt, chỉ chôn lấp dưới 10%. Ông Hùng cho hay, qua kiểm tra, tỷ lệ chôn lấp đạt như cam kết. Tuy nhiên, hiện tại phân compost sản xuất ra không thể bán được, nếu có sản xuất thì cũng mang đi… chôn. Thế nên câu hỏi, việc áp dụng đơn giá hiện tại là hỗ trợ 350 ngàn đồng/tấn rác có hợp lý hay không khi cam kết ban đầu là sẽ chôn lấp dưới 10%; trong khi việc đốt rác rất ít, sản xuất phân thì cũng… chôn, tức là tỉ lệ chôn hơn 10%. Câu hỏi này chưa được trả lời thoả đáng.
Nhiều vấn đề được đại diện các ngành chức năng sẽ trả lời bằng văn bản sau. Riêng vấn đề phá thế “độc quyền” trong xử lý rác thải, người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Đức Thánh – Chánh văn phòng UBND tỉnh cho hay, đã cấp chứng nhận đầu tư cho 1 doanh nghiệp khác đầu tư vào lĩnh vực này. Doanh nghiệp đã đề xuất công nghệ hợp lý và đã chọn được địa điểm thích hợp. Khi nhà máy này đi vào vận hành sẽ phá thế “độc quyền” trong xử lý rác hiện nay, tạo sự cạnh tranh công bằng và doanh nghiệp sẽ không còn “yêu sách” như hiện nay.
Từ khi đưa vào vận hành tháng 5/2012 đến nay, nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau đã 2 lần dừng bảo trì máy khiến rác tồn như núi từ lần bảo trì trước chưa xử lý xong. Hiện tại, nhà máy đang dừng bảo trì, các huyện đang khốn đốn tìm cách xử lý rác, vì khi xây dựng nhà máy, các huyện đã xoá bỏ các bãi rác để nhà máy vận chuyển rác về xử lý tập trung.
Vĩnh Nghi