Thời gian gần đây, tình trạng một bộ phận giới trẻ dễ bị xúi giục, kích động, từ đó có những hành động lệch chuẩn, ứng xử bạo lực, ngày càng phổ biến. Ðáng quan tâm hơn, có những trường hợp vướng vào vòng lao lý khi tuổi đời khá trẻ.
Tình trạng lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ không chỉ xuất hiện trong một môi trường cá biệt, mà rộng khắp, từ trường học đến ngoài xã hội; từ chửi bới với những lời lẽ thô tục, ứng xử với nhau thô bạo chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt đến những hành vi vi phạm phải chịu sự chế tài của pháp luật.
Ðơn cử như sự việc khiến nhiều phụ huynh, nhà trường phải suy ngẫm xảy ra vừa qua: một nữ sinh lớp 8 tại Trường THCS Phan Ngọc Hiển, huyện Ðầm Dơi, túm tóc đánh bạn cùng lớp do “nhìn nhau không có thiện cảm”. Dù vụ việc đã được xử lý theo quy định của ngành giáo dục, nhưng đáng nói đằng sau đó là chuyện về văn hoá ứng xử của giới trẻ.
Từ việc thiếu quản lý, giáo dục của người lớn, thanh thiếu niên ngày nay rất dễ bị lôi kéo vào con đường phạm pháp. Như mới đây, Toà án Nhân dân TP Cà Mau xét xử vụ án cố ý gây thương tích, 1 trong 2 bị cáo là thiếu thiên chưa tròn 18 tuổi.
L.Q.X (bị cáo trong vụ án, sinh năm 2005, ngụ xã Hoà Tân, TP Cà Mau) tại phiên toà xét xử.
Theo hồ sơ vụ việc, vào khoảng 16 giờ ngày 6/1/2023, Bùi Ngọc Ðẹp (xã Hoà Thành, TP Cà Mau), cùng chồng là Lê Văn Tý đến nhà ông Võ Văn Bé (ấp Gành Hào 1, xã Hoà Tân, TP Cà Mau). Tại đây, vợ chồng Ðẹp nhậu cùng với ông Lương Văn Tính. Ông Tính và Tý xảy ra cự cãi, lúc này Lương Mắc Lel (con ông Tính) đến kêu ông Tính về. Sau khi ông Tính và Lel đi về, tức giận việc ông Tính chửi tục, còn thách thức đánh Tý nên Ðẹp lấy điện thoại của Tý gọi điện cho Phạm Hải Ðăng (ngụ tại ấp Tân Phong B, xã Hoà Thành), bạn cùng xóm, kêu cho người vô tiếp. Ngay sau đó, Ðăng gọi cho một số người khác, trong đó có L.Q.X (bị cáo trong vụ án, sinh năm 2005, ngụ xã Hoà Tân). Ðến hơn 16 giờ 30 phút cùng ngày, X đi bằng xe mô tô đến nhà ông Bé. Tại đây, Ðẹp kể lại sự việc ông Tính và Tý cự cãi, mâu thuẫn nhau cho Nguyên, Huy và X nghe, sau đó những người khác lên xe bỏ về, còn X thì bị Ðẹp giữ lại và kêu đi đánh người, X đồng ý. Lúc này Tý lấy xe chạy đến nhà ông Tính thì gặp Lel nên dừng lại nói chuyện, ông Tính ở trong nhà chửi Tý và sau đó đi ra dùng tay đánh Tý, Tý cũng dùng tay đánh lại. X và Ðẹp đi bộ đến, thấy ông Tính cầm cây búa chạy ra nên X bỏ chạy trước về hướng nhà ông Bé, Tý chạy theo sau, ông Tính cầm búa đuổi theo để đánh Tý. Khi đến bờ vuông của một hộ dân gần đó, thì ông Tính té ngã kéo theo Tý cùng té. Tý nằm dưới, ông Tính nằm trên, cả hai câu vật giành nhau cây búa, Ðẹp và X lượm đoạn cây gỗ bên đường, cùng nhau đánh ông Tính nhiều cái trúng vào đầu và mông.
Sự việc xảy ra khiến ông Tính bị chấn thương, kết quả giám định xác định tổn thương cơ thể của ông Tính tại thời điểm giám định là 0,4%.
Từ tình tiết vụ việc, cũng như những chứng cứ thu thập được, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Cà Mau khởi tố Ðẹp và X tội danh "cố ý gây thương tích" theo điểm a, khoản 1, Ðiều 134, Bộ luật Hình sự.
Tại phiên toà sơ thẩm, X đã bị tuyên phạt với mức án 6 tháng tù giam. Bản án dành cho X sẽ là vết thương lớn đối với đấng sinh thành từ việc thiếu quản lý, giáo dục con trẻ.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thiết bị công nghệ, giới trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hoá mới, từ đó phát triển cách ứng xử tiến bộ, phù hợp với thời đại. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Công, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau: "Mặc dù văn hoá ứng xử ở giới trẻ có nhiều chuyển biến, song với góc nhìn tổng thể thì trong những năm gần đây, thực trạng lối sống, đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên có hơi lệch chuẩn. Thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ đánh nhau, nhiều vụ án liên quan đến các đối tượng này, gây ra hậu quả đau lòng. Lệch chuẩn xuất hiện không chỉ ngoài xã hội mà cả trong nhà trường, cần có giải pháp và sự quan tâm đúng mức. Hành vi ứng xử của giới trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mạng xã hội. Sống nhanh, sống vội, một số bạn trẻ tự cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ, phát triển thái độ tự kiêu, tự cao tự đại và yêu cầu mọi người phải theo ý kiến của mình. Cách suy nghĩ này dễ dẫn đến lối ăn nói thô lỗ, mất trật tự khi cha mẹ không ủng hộ ý kiến và ngoài xã hội thì sẵn sàng phản đối, thậm chí gây gổ, tham gia bạo lực".
Ðể đảm bảo chuẩn mực trong văn hoá ứng xử, hạn chế bạo lực, vi phạm pháp luật ở giới trẻ, theo ông Nguyễn Chí Công, gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến con em. Bởi gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội. Ðặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, ảnh hưởng của tệ nạn xã hội, văn hoá ngoại, công nghệ số, mạng xã hội... đã làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, truyền thống tốt đẹp trong gia đình bị phá vỡ, đạo đức, lối sống xuống cấp.
Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi thành viên trong gia đình cần là tấm gương, định hướng bằng hành động và lời nói, giáo dục đạo đức, lối sống, giúp trẻ hiểu được đạo lý, hoà thuận, thương yêu nhau. Mỗi thành viên biết hướng thiện, cảm thông và sống vị tha, cư xử đúng mực, có lối sống lành mạnh; giáo dục nền nếp, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của gia đình, con cháu hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ; ông bà sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con, cháu trở thành người có ích cho xã hội.
“Ở góc độ ngành văn hoá, hiện đang triển khai tuyên truyền, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong đó tiêu chí ứng xử chung là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Từ bộ tiêu chí này, mong rằng góp phần xây dựng và phát triển văn hoá sống tốt đẹp trong gia đình”, ông Nguyễn Chí Công chia sẻ thêm./.
Văn Ðum