(CMO) Những năm gần đây, phong trào luyện tập Vovinam trên địa bàn Cà Mau phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tham gia.
Bên cạnh phát triển phong trào, bộ môn còn chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo trẻ nhằm xây dựng lực lượng kế thừa chất lượng.
Từ khi được thế giới công nhận và trở thành môn võ thuật được đưa vào thi đấu chính thức trong các giải thể thao khu vực, thế giới, Vovinam nhanh chóng khẳng định thương hiệu của mình và ngày càng thu hút giới trẻ cả nước nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Mỗi ngày tại phòng tập của Trung tâm Huấn luyện, đào tạo và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Cà Mau đều có các võ sinh nam, nữ đủ lứa tuổi say sưa luyện tập.
Các VĐV Vovinam được tạo điều kiện thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn. |
Huấn luyện viên, Trưởng bộ môn Vovinam Văn Thanh Xuân cho biết: "Phong trào tập luyện võ thuật Voviam trong tỉnh hình thành từ năm 2004, câu lạc bộ (CLB) võ thuật Vovinam đầu tiên đã được thành lập và đi vào hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh có 24 CLB được thành lập ở hầu hết các huyện, thành phố (trừ huyện Ngọc Hiển), với khoảng 700 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Nhiều CLB Vovinam được thành lập và duy trì, hoạt động rất hiệu quả, thu hút khá đông võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên".
Là một huấn luyện viên, cũng là người gắn bó với môn võ Vovinam từ ngày đầu Vovinam xuất hiện tại Cà Mau, ông Xuân chia sẻ , để tuyển chọn được những VĐV trẻ có tố chất, triển vọng, ngoài các đợt tuyển chọn, kiểm tra tập trung với những tiêu chuẩn khoa học thông qua các lớp chiêu sinh, bộ môn Vovinam còn chủ động liên hệ với các CLB, trường học ở các địa phương để kịp thời phát hiện và tuyển chọn VĐV trẻ có năng khiếu đáp ứng yêu cầu để đào tạo.
“Để có nguồn VĐV đầu vào chất lượng, ngoài việc vượt qua buổi kiểm tra với tiêu chí chung, các VĐV còn phải thể hiện được những tố chất, thể trạng phù hợp với bộ môn mà mình dự tuyển. Sau đó, các em sẽ tập luyện và Hội đồng tuyển sinh sẽ tiến hành kiểm tra lại một lần nữa để tuyển chọn những em thật sự có năng khiếu và đam mê, yêu thích thể thao”, ông Xuân thông tin.
Để đưa võ thuật Vovinam đi vào hoạt động ổn định, phát triển, bộ môn đã chủ động xây dựng đề án, chiến lược phát triển phù hợp, tập trung xây dựng phong trào cơ sở. Rà soát, tuyển chọn VĐV để hướng dẫn tập luyện; đồng thời, thường xuyên tổ chức những đợt kiểm tra sau các buổi tập để HLV đánh giá phong độ của từng võ sĩ. Khi được tuyển chọn vào đội tuyển Vovinam của tỉnh, các võ sinh sẽ được học ở 3 lớp khác nhau tuỳ vào độ tuổi của võ sinh: lớp đội tuyển năng khiếu (từ 12-14 tuổi); lớp đội tuyển trẻ (15-18 tuổi), lớp đội tuyển (trên 18 tuổi). Sau quá trình tập luyện, tuỳ vào năng khiếu, năng lực và độ tuổi, võ sinh sẽ được chuyển lên các lớp khác nhau.
Dù chỉ tham gia đội tuyển Vovinam của tỉnh được 3 năm, nhưng em Văn Anh Vũ (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước) đã đoạt 3 Huy chương Đồng ở giải vô địch Vovinam toàn quốc suốt 2 năm liền. Vũ chia sẻ: “Em thích học võ từ nhỏ và khi biết đến Vovinam thì theo tập luyện. Dần dần đam mê và em quyết định theo đuổi đam mê ấy. Em chọn Vovinam để học cũng vì môn võ ấy là của người Việt Nam”.
Theo học Vovinam từ năm 22 tuổi, suốt 8 năm hăng say tập luyện, Vovinam đã mang lại cho anh Phạm Hữu Nghĩa (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước) những ý nghĩa mà theo anh khó có môn võ nào làm được. Anh bộc bạch: “Tập luyện Vovinam thường xuyên sẽ giúp người tập có vóc dáng thon thả, gọn gàng, tay chân nhanh nhẹn, não bộ sáng suốt cùng một thân thể cường tráng và phát triển đều đặn. Vovinam đâu chỉ mang lại cho người tập những lợi ích về thể chất, nó còn giúp rèn luyện tốt về tinh thần”.
"Thời gian tới, bộ môn sẽ tích cực tập luyện để tham gia các giải đấu lớn toàn quốc, nhằm tạo điều kiện cho các VĐV thi đấu giao hữu cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, chú trọng đào tạo, huấn luyện lực lượng chủ chốt tham dự Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần VIII-2018, với quyết tâm đạt thành tích tốt nhất”, ông Văn Thanh Xuân cho biết thêm./.
Thảo Nguyên