(CMO) Trước đây, Cà Mau triển khai xây dựng nhiều công trình cầu, cống điều tiết nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện những công trình này không còn sử dụng, ngành chức năng chưa tháo dỡ và trở thành những cái “bẫy” trên sông, nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông, nhất là vào ban đêm.
Theo ghi nhận của phóng viên, các cống này được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng cách đây từ 20-30 năm, kết cấu bằng bê-tông cốt thép, quy mô rất kiên cố, nằm rải rác trên địa bàn 7/9 huyện và TP Cà Mau (trừ huyện Năm Căn và Ngọc Hiển).
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, cho biết, hệ thống cống này thuộc chương trình ngăn mặn, tiêu úng xổ phèn, giữ ngọt để phục vụ việc trồng lúa ở thời điểm đó. Tuy nhiên, vào khoảng cuối năm 1999, đầu năm 2000, tỉnh Cà Mau thực hiện chủ trương chuyển dịch một phần diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Từ đây, tỉnh quy hoạch thành 2 vùng sản xuất, Nam Cà Mau và Bắc Cà Mau, với 23 tiểu vùng sản xuất, trong đó Nam Cà Mau 18 tiểu vùng, Bắc Cà Mau 5 tiểu vùng. Hệ thống thuỷ lợi được quy hoạch lại nên nhiều cống không còn phát huy tác dụng trong tình hình sản xuất mới.
Việc xói lở bờ sông xảy ra nghiêm trọng làm thay đổi dòng chảy, đẩy các cống này ra giữa lòng sông hoặc nằm án ngữ ngay giữa ngã ba sông, như cống vàm Lung Câu, thuộc ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước là minh chứng.
Cống Lung Câu không còn sử dụng, nằm án ngữ giữa dòng kênh, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thuỷ. |
Anh Nguyễn Văn Nghiệp, ấp Trần Ðộ, cho biết: “Ngoài việc cản trở, hạn chế dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến việc nuôi thuỷ sản của người dân, đôi khi xuồng, ghe qua lại va chạm gây tai nạn, nhất là vào những đêm tối. Người dân nơi đây ai cũng thấy chướng mắt khi qua lại. Vậy mà lâu nay Nhà nước chưa phá bỏ cái cống này đi”.
Ông Trương Minh Luân, Trưởng ấp Trần Ðộ, cho biết: "Ðịa phương đã kiến nghị tháo dỡ các cống vì xét thấy chúng không còn tác dụng và không còn phù hợp với quy hoạch hiện tại. Những cái cống thế này là vật cản, làm hạn chế dòng chảy, ảnh hưởng đến việc cấp thoát nước trong nuôi thuỷ sản. Ðặc biệt là gây trở ngại giao thông đường thuỷ, đe doạ tính mạng người dân".
Ông Lý Hồng Duẫn, công chức Lâm nghiệp xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, bức xúc: "Trên địa bàn xã còn nhiều cống có khẩu độ nhỏ, độ thông thuyền thấp, gây cản trở việc đi lại cũng như vận chuyển lâm sản như cống kênh Ông Hầu, Hai Nhơn (Ấp 15), cống Bờ Bao giáp ranh giữa Ấp 6 và Ấp 10. Ðể tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển lâm sản, hàng năm vào mùa khai thác, địa phương phải thuê xáng cuốc tạm khai thông cho xuồng, ghe qua lại để đỡ chi phí, giảm giá thành nông sản. Vào mùa khô đắp lại để giữ nước, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy rừng".
Ông Nguyễn Long Hoai cho biết thêm: "Trước đây tỉnh đã có rà soát và tổ chức dỡ bỏ một lần vào năm 2014 được 79 cái. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn, ngành đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, thống kê, làm phương án đề xuất kinh phí để tiếp tục dỡ bỏ trong thời gian tới"./.
Trung Ðỉnh