Từ tháng 4/2023, Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau triển khai thực hiện dự án khoa học công nghệ “Lắp đặt camera chuyên dụng để quản lý, bảo vệ rừng, biển và khu vực bãi bồi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau”.
Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc VQG Mũi Cà Mau, cho biết: “Vườn có địa hình phức tạp, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt thông ra biển, gây khó khăn cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng và biển. Mặc dù lực lượng quản lý rừng và biển của Vườn có nhiều cố gắng, nhưng nguồn lực về con người và kinh phí tuần tra, kiểm soát có hạn; mặt khác, việc di chuyển chủ yếu bằng phương tiện thuỷ, chi phí lớn hơn so với lưu thông trên đường bộ, nên việc tuần tra, kiểm soát không thể thực hiện xuyên suốt 24/24 được. Do vậy, tình trạng người dân chặt phá cây rừng, khai thác nguồn lợi thuỷ sản trái phép tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra”.
Camera có thể phóng to và thu nhỏ 60 lần và được lắp đặt tại 6 địa điểm trọng yếu, bao trùm cả Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Triển khai dự án, camera giám sát được lắp đặt tại các điểm: Kinh Ranh (xã Ðất Mới), Biện Trượng (xã Lâm Hải), bãi bồi (xã Viên An), Khu Du lịch Mũi Cà Mau và rạch Trương Phi (xã Ðất Mũi), đảm bảo khép kín địa bàn quản lý. Camera chuyên dụng có độ phân giải cao, phóng to, thu nhỏ 60 lần; mỗi camera quan sát được bán kính 8 km, quay 360 độ nên quan sát được đường kính 16 km. 6 camera quan sát được diện tích khoảng 29.043 ha, trong đó diện tích trên đất liền 12.072 ha và trên biển là 16.971 ha (phạm vi quan sát vượt 19.043 ha so với kế hoạch ban đầu).
“Lắp đặt camera giám sát, trước tiên là quản lý được dự án trồng rừng thí điểm (286,7 ha), khoanh nuôi chuyển tiếp (680 ha). Ðồng thời, quản lý, bảo tồn 122 loài chim di cư chuyên sống giáp mé bãi bồi và mé rừng; 28 loài thú, 55 loài bò sát lưỡng cư; 149 loài cá; 91 loài động vật không xương sống, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý tốt tài nguyên thiên nhiên”, ông Dũng cho biết thêm.
Ông Tiêu Minh Luân, Phó giám đốc VQG Mũi Cà Mau, chia sẻ: “Khi kết nối, camera sẽ truyền hình ảnh, dữ liệu về ti vi và điện thoại di động thông minh để giám sát, quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng, biển và khu vực bãi bồi. Bên cạnh đó, giúp quản lý và quan sát xuyên suốt được 24/24, phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc khai thác thuỷ sản trái phép, chặt phá cây rừng khu vực ven bãi bồi trên địa phận VQG Mũi Cà Mau; theo dõi, giám sát lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. Việc quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng và biển thông qua hệ thống camera giám sát sẽ giảm nguồn lực về con người, chi phí quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng khu vực biển. Mặt khác, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số trong công tác quản lý, nhất là quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng và biển”.
Camera với trọng lượng hơn 20kg được lắp đặt ở cột kiên cố với độ cao trên 40m so với mặt nước biển.
Theo Ban Giám đốc VQG Mũi Cà Mau, từ khi triển khai thực hiện lắp đặt camera và thông tin tuyên truyền cho người dân biết được khu vực giám sát, thời gian hoạt động của các camera, nắm rõ việc giám sát và quản lý tài nguyên thiên nhiên trên địa phận VQG Mũi Cà Mau 24/24 giờ, đã góp phần nâng cao nhận thức chung cho người dân.
“Camera mang lại hiệu quả thiết thực, quan sát được phương tiện và người rất xa, quản lý tài nguyên thiên nhiên biển rất tốt; có thể ứng dụng, nhân rộng để triển khai thực hiện ở những khu vực khác, ngoài địa phận của VQG Mũi Cà Mau. Thời gian tới, đơn vị đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh cho lắp đặt các camera loại nhỏ tại các cửa sông, kênh, rạch chủ yếu ra vào rừng để quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng; trang bị hệ thống loa phát thanh tại các trụ lắp đặt camera để tuyên truyền, vận động người dân. Ðồng thời, đề xuất các nhà cung cấp thiết bị hệ thống camera và lập trình phần mềm cần nghiên cứu, bổ sung định vị GPS để xác định toạ độ khu vực phát hiện vi phạm, để làm cơ sở pháp lý củng cố hồ sơ xử lý vi phạm”, ông Dũng thông tin./.
Kim Cương