Chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời và khẩn trương khắc phục hậu quả là một trong những phương án nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có thể gây ra cho người dân trên địa bàn xã Cái Ðôi Vàm trong mùa mưa bão hiện nay.
Xã Cái Ðôi Vàm có đường bờ biển dài hơn 15 km và có hệ thống sông ngòi dày đặc với các cửa biển: Cái Ðôi Vàm, Gò Công và Sào Lưới. Vì thế, người dân trên địa bàn thường xuyên đối mặt với các loại hình thiên tai, nhất là dông lốc, triều cường, gió mạnh... mỗi khi bước vào mùa mưa bão.
Ông Tô Tấn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: "Sau khi đơn vị hành chính mới đưa vào vận hành, xã đã tiến hành thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, Ban Chỉ huy đã phân công trách nhiệm cho từng thành viên phụ trách địa bàn từng khóm, ấp cụ thể để xử lý kịp thời các tình huống thiên tai có thể xảy ra".
Xã Cái Ðôi Vàm hiện có 6.742 hộ với hơn 28.112 người. Cũng như các địa phương ven biển khác trên địa bàn tỉnh, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản là nguồn thu nhập chính của người dân.
Cửa biển Cái Ðôi Vàm bị bồi lắng khiến việc ra, vào của các phương tiện công suất lớn còn khó khăn.
Ông Nghiệp cho biết thêm, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, xã tập trung tuyên truyền, phổ biến đến người dân các kiến thức, kỹ năng trong việc chủ động phòng tránh thiên tai, đặc biệt là việc chằng chống nhà cửa, gia cố bờ bao, ao nuôi thuỷ sản, bảo vệ tài sản và neo đậu tàu thuyền an toàn...
Cửa biển Cái Ðôi Vàm là một trong những cửa biển lớn của tỉnh, nơi có đội tàu khai thác hơn 278 phương tiện. Tuy nhiên, số phương tiện có chiều dài từ 15 m trở lên chỉ khoảng 93 tàu và từ 12 m đến dưới 15 m khoảng 12 tàu, còn lại đa phần dưới 12 m. “Hiện nay, nơi neo đậu tránh trú bão cho bà con ngư dân đã được đầu tư, tuy nhiên cửa biển Cái Ðôi Vàm vẫn còn cạn nên việc lưu thông của các phương tiện, nhất là phương tiện lớn gặp khó khăn”, ông Nghiệp cho biết.
Các phương tiện chuẩn bị trước khi ra biển khai thác.
Với kinh nghiệm hơn 35 năm làm nghề khai thác biển, ông Nguyễn Văn Phỉnh (Khóm 4, xã Cái Ðôi Vàm) là một trong những ngư dân có tàu khai thác ở vùng biển khơi. Ông Phỉnh cho biết: "Trước khi ra khơi, tàu được trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn từ áo phao, phao bè... cho đến các thiết bị thông tin liên lạc và cả pháo hiệu khẩn cấp. Khi tàu ra biển thì máy điện đàm được trực 24/24".
Khóm 4 là nơi có nhiều bà con đang sinh sống tập trung dọc theo cửa biển Cái Ðôi Vàm. Nơi đây cũng được cho là dễ bị tổn thương khi xảy ra triều cường cao hay áp thấp nhiệt đới, mưa bão. Theo đó, hiện địa phương đã tiến hành rà soát và bố trí 11 điểm trường cùng trụ sở các cơ quan làm nơi sơ tán bà con trong các tình huống khẩn cấp. “Hiện nay, lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, lương thực, nước uống cho đến thuốc, nhiên liệu... đã được triển khai sẵn sàng”, ông Nghiệp thông tin.
Ông Lê Minh Kiệt, Trưởng khóm 4, cho biết: "Khóm thường xuyên tập trung lực lượng, đến tận nhà vận động bà con thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai. Trước hết là trang bị đầy đủ khi ra biển, chủ động chằng chống nhà cửa để giảm thiệt hại do dông lốc, cũng như kê cao vật dụng trong gia đình".
Nghề khai thác thuỷ sản là một trong những nguồn kinh tế chính của bà con xã Cái Ðôi Vàm.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, các hiện tượng: dông, lốc xoáy, triều cường, nước biển dâng xảy ra nhiều hơn và phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn hơn, nguy hiểm hơn; mưa bão ngày càng phức tạp, khó lường... Tất cả những hiện tượng thời tiết này thời gian qua đều ảnh hưởng trực tiếp đến bà con đang sinh sống tại những khu vực ven biển, trong đó có xã Cái Ðôi Vàm. Do đó, việc chủ động thích ứng là vô cùng cần thiết, nhất là các biện pháp ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chịu tác động bởi 2 cơn bão, 2 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Ðông và 3 đợt triều cường. Ngoài ra, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mưa kèm theo dông lốc thường xuyên xảy ra... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân. Con số tổng thiệt hại từ đầu năm đến nay về tài sản ước tính khoảng 16 tỷ đồng cho thấy tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh còn diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường.
Nguyễn Phú - Chí Diện