(CMO) Đạt 14/19 tiêu chí, “tuy nhiên trong 5 tiêu chí còn lại của xã, Khánh Hội trăn trở nhất là tiêu chí hộ nghèo và môi trường, bởi 2 tiêu chí này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ yếu tố xã ven biển. Đáng quan tâm nhất là vấn đề di cư tự do khiến tiêu chí hộ nghèo của xã rất khó thực hiện”, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh Châu Minh Đảm lo ngại.
Đau đầu vì dân di cư
Với tiềm năng kinh tế biển, mỗi năm Khánh Hội thu hút khá đông lượng người di cư từ nơi khác đến. Họ đi cùng gia đình, dắt dìu nhau đến cửa biển tìm kế sinh nhai. Chồng đi biển, đi bạn cho ghe tàu, hay sắm chiếc vỏ máy khai thác đánh bắt ven bờ, vợ làm thuê, lột mực. Chỉ cần sau 6 tháng, họ chính thức được “nhập cư” vào địa phương. Không đất ở, thiếu đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, họ trở thành gánh nặng cho Khánh Hội.
Hầu hết cơ sở thu mua thuỷ hải sản trên địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh đều thải nước trực tiếp ra sông, gây khó khăn cho tiêu chí môi trường. |
Ông Đảm trần tình: “Ở đây dân di cư tự do thường xuyên và biến động liên tục. Họ muốn đến thử coi kiếm sống có ổn không, chủ yếu là làm thuê. Nhưng theo quy định, khi đến địa phương trên 6 tháng thì xã phải làm công tác thường trú cho họ. Do vậy, khi rà soát, đánh giá theo tiêu chí nghèo đa chiều, họ không có các phương tiện sinh hoạt đương nhiên rơi vào danh sách hộ nghèo. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng “đội lên”. Hộ nghèo cũ chưa lo xong, hộ nghèo mới lại phát sinh”.
Theo ghi nhận của Công an xã Khánh Hội, từ đầu năm đến nay, địa phương đã làm công tác thường trú cho 7 hộ chuyển đến với 18 khẩu và tạm trú cho 53 khẩu. Từ huyện Năm Căn, gia đình chị Văn Anh Thư đến thường trú rồi định cư nhiều năm nay ngay tại Ấp 1, xã Khánh Hội để tìm kế sinh nhai. Cuộc sống bấp bênh, cái nghèo vẫn luôn đeo bám. Chị Thư bộc bạch: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay nhưng chưa thoát được. Đất này cũng mượn tạm để ở, làm thuê kiếm sống. Hôm nào biển không động thì còn có việc để làm thuê, không thì chan chát”.
Cư ngụ trên địa bàn huyện U Minh nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Nga cũng tìm đến cửa biển Khánh Hội để sinh sống. Chị Nga chia sẻ: “Không có chỗ ở nên đến đây ở tạm, chồng thì đi biển, tôi ở nhà buôn bán tạp hoá nhỏ, ai mướn gì làm nấy sống qua ngày thôi”.
Được biết, toàn xã có 4 ấp ven biển gồm: Ấp 1, Ấp 3, Ấp 6 và Ấp 8. Dân di cư chủ yếu sống tập trung theo tuyến đê biển thuộc Ấp 1 và Ấp 3. Hiện tại xã còn đến 51 căn nhà cây lá tạm bợ, phần lớn là nhà của những hộ sống di cư ven biển. Chính họ góp phần làm tăng tỷ lệ hộ nghèo của xã (hiện 7,8%, tương đương 229 hộ nghèo).
Ông Đảm băn khoăn: “Khó nhất là Ấp 1, nơi có khu tái định cư vàm Lung Ranh tập trung nhiều hộ nghèo sống ven biển về đây. Địa phương cũng đã rà soát, phân công đảng viên phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo, phấn đấu cuối năm giảm dưới 4% hộ nghèo. Đồng thời, xã vận động mạnh thường quân, từng bước giảm những căn nhà cây lá tạm bợ, làm sao để tiêu chí nhà ở dân cư đạt vào cuối năm nay.
Ngoài ra, chính quyền địa phương còn phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức các lớp dạy nghề, tổ hợp tác truyền nghề, tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn sản xuất. Theo đó, sàng lọc đối tượng, phân loại hộ nghèo. Đây là vấn đề quan trọng mà địa phương đang chú trọng để hạn chế sự trông chờ ỷ lại của người dân, nâng cao nhận thức, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể giảm nghèo bền vững.
“Khổ sở” vì cơ sở thu mua thuỷ sản
Không chỉ “khổ” vì dân di cư ảnh hưởng đến tiêu chí hộ nghèo, Khánh Hội hiện nay còn đau đầu tiêu chí môi trường. Với đặc thù kinh tế biển, Khánh Hội hiện nay có khoảng 200 cơ sở thu mua thuỷ hải sản lớn nhỏ, nằm rải rác khắp các ấp ở gần cửa biển. Mặc dù các cơ sở này đều có giấy tờ mang tính chất bắt buộc đủ điều kiện kinh doanh, nhưng trên thực tế hầu như đều không đảm bảo về môi trường.
May mắn khi đến cửa biển Khánh Hội vào thời điểm các tàu đánh cá cập bến, chúng tôi tận mắt chứng kiến những con cá, mực, tôm còn tươi rói được các cơ sở thu mua ngay tại bến. Họ tiến hành phân loại, rửa sạch rồi thải nước trực tiếp xuống sông, biển trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Mặc cho địa phương nhiều lần phối hợp Phòng TN&MT huyện kiểm tra buộc cam kết không xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, nhưng đa phần các cơ sở này trong quá trình sơ chế ban đầu tất cả đều xả thải trực tiếp ra môi trường.
Ông Đảm nhìn nhận: “Đối với tiêu chí này, các ấp nội đồng vận động còn đỡ, ấp ven biển rất khó. Hiện nay không có cơ sở nào đạt về môi trường, tất cả đều chưa có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, họ đều đẩy trực tiếp xuống sông, biển".
Để đảm bảo tiêu chí môi trường, hiện nay xã Khánh Hội tích cực vận động người dân trồng hàng rào cây xanh đối với ấp nội đồng, tự đào hố rác hoặc xây hố rác, phân loại rác. Đồng thời, tăng cường thu gom rác ở những khu vực chợ, gần biển để tránh người dân đẩy rác xuống sông trôi ra biển. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành chức năng rà soát lại các cơ sở thu mua thuỷ hải sản và đề xuất buộc xử lý mạnh để ngăn chặn những hành hành vi này, như vậy mới mong hoàn thành các tiêu chí trong năm 2019 theo đúng kế hoạch đề ra./.
Hồng Nhung