Ngày 21/12, Đoàn công tác Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Trưởng nhóm đối thoại (kênh 2) Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin Hà Huy Thông có buổi làm việc tại tỉnh Cà Mau để nắm tình hình về người nhiễm chất độc da cam/dioxin.
(CMO-PL) Ngày 21/12, Đoàn công tác Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Trưởng nhóm đối thoại (kênh 2) Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin Hà Huy Thông có buổi làm việc tại tỉnh Cà Mau để nắm tình hình về người nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả chiến tranh, hiện toàn tỉnh có khoảng 17.000 nạn nhân bị nghi phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hầu hết người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin không có khả năng tự phục vụ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người hỗ trợ; gia đình có người bị nhiễm da cam/dioxin đều gặp khó khăn trong cuộc sống. Về giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin, tỉnh đã thực hiện việc chi trả chế độ chính sách cho 6.021 nạn nhân da cam. Trong đó, có 3.712 người trực tiếp tham gia kháng chiến và 2.309 người là con đẻ của nạn nhân. Tuy nhiên, hiện Cà Mau còn khoảng 11.000 người là cháu của người tham gia kháng chiến (thế hệ thứ 3) và dân thường bị nhiễm chất độc da cam/dioxin chưa được hưởng các chế độ của Nhà nước.
Tỉnh đề xuất cần tăng cường hỗ trợ chính sách cho người nhiễm chất độc da cam/dioxin; chất độc da cam truyền sang thế hệ thứ 3 nên Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cần có hình thức hỗ trợ chế độ cho đối tượng này và cả dân thường bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Xây dựng các mô hình chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin./.