Tháng 10/2010, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau nhận được đơn của anh Phạm Lê Thái V và 13 người khác cùng tố cáo Lê Trung Tín (sinh năm 1977), ngụ Phường 2, TP Cà Mau, lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 11 triệu đồng.
Tháng 10/2010, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau nhận được đơn của anh Phạm Lê Thái V và 13 người khác cùng tố cáo Lê Trung Tín (sinh năm 1977), ngụ Phường 2, TP Cà Mau, lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 11 triệu đồng.
Cơ quan điều tra nhập cuộc và phát hiện không chỉ chiếm đoạt số tiền trên 11 triệu đồng mà sau thời gian dài sử dụng chiêu “râu ông nọ cắm càm bà kia”, Lê Trung Tín, nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Phường 7, thuộc Ngân hàng Phát triển nhà ÐBSCL (Chi nhánh Cà Mau, gọi tắt là Ngân hàng MHB) đã nợ rất nhiều người với số tiền hàng tỷ đồng.
Tư lợi cá nhân
Tháng 6/2000, Lê Trung Tín được nhận vào làm nhân viên Ngân hàng MHB, tạo vỏ bọc cho bản thân, cũng như ý định kinh doanh bất động sản, năm 2002, Tín thoả thuận vay nóng của ông Trang Gia K (ngụ Phường 4, TP Cà Mau) số tiền gần 1,5 tỷ đồng với lãi suất 9%/tháng. Số tiền trên Tín trang trải cho việc học hành, quan hệ công việc, mua chứng khoán, mua đất…
Tuy nhiên, nhiều lần chậm trễ trong việc trả lãi theo thoả thuận, ông K đòi Tín phải trả vốn lẫn lãi nên Tín đã vay của ông Hứa Việt H, bà Trần Thị D, bà Trần Thị T và bà Hồng Thị Thu L tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng với suất từ 5-9%/tháng để trả cho ông K. Và để có tiền đóng lãi, trả nợ cho những người này, Tín lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhiều người khác để thế chấp Ngân hàng MHB, xin vay trên 1,6 tỷ đồng để “xoay nợ” và tiêu xài cá nhân. Tính từ năm 2002 đến năm 2008, Lê Trung Tín đã nợ khoảng 5 tỷ đồng.
Trong lúc Tín đang nợ nần chồng chất (bên trong ngân hàng và nợ bên ngoài) thì đầu tháng 9/2009, Tín được bổ nhiệm làm Giám đốc Phòng Giao dịch Phường 7. Ðể giữ uy tín và có tiền trả nợ, quyền ký duyệt hồ sơ cho vay vốn và đề bạt lên giám đốc của ngân hàng những trường hợp vay với số vốn lớn, Tín vay tiền về để cho các hộ dân khác vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao, cũng có khi Tín nói vay để làm ăn, vay mua đất hoặc kẹt tiền nên vay…
Trên thực tế, Tín có kinh doanh bất động sản, mua cổ phiếu, cho vay đáo hạn có tạo ra thu nhập để trả lãi theo thoả thuận. Tuy nhiên, lãi suất mà Tín cho người dân vay đáo hạn ngân hàng chỉ diễn ra 1-2 ngày, trong khi Tín vay bên ngoài thì thời gian đã lâu và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm… Do tính toán không kỹ, Tín lại lâm nợ nhiều hơn.
Bị cách chức vẫn mạo danh
Tháng 4/2010, Tín đã bị đình chỉ công tác, không còn làm Giám đốc Phòng Giao dịch, không cho vay đáo hạn, không kinh doanh để tạo thu nhập… nhưng Tín vẫn mạo danh là giám đốc để hỏi vay tiền của nhiều người nhằm chi trả cho mục đích cá nhân.
Cụ thể, tháng 6/2010, Tín hỏi vay của Khưu Tố P số tiền 500 triệu đồng để cho các hộ dân khác vay đáo hạn. Nghĩ tình Tín từng giúp mình vay tiền, nên chị P làm thủ tục vay tiền Ngân hàng MHB cho Tín mượn, Tín hứa hẹn vài ngày sẽ trả lại (có viết biên nhận làm tin). Nhưng sau đó chị P đòi nhiều lần mà Tín cứ khất nợ mãi. Trước đó, cho rằng cần tiền để đáo hạn ngân hàng, mua đất và kinh doanh khách sạn 5 sao tới 50 tỷ đồng, Tín đã hỏi vay của chị Trần Thị L số tiền 1 tỷ đồng và chiếm đoạt luôn số tiền này.
Chưa dừng lại, lợi dụng chị Nguyễn Thị H là bà con, Tín kêu H đưa tiền cho Tín mượn đưa vào Ngân hàng MHB cho người dân vay đáo hạn với lãi suất cao, Tín và H chia nhau xài (nhưng lãi bao nhiêu Tín không nói cho chị H biết). Chị H đã đưa cho Tín 500 triệu đồng, song chị H chỉ nhận của Tín được 50 triệu đồng mà Tín nói là tiền lãi cho dân vay đáo hạn, số tiền còn lại đến nay Tín chưa trả cho chị… Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau đã chứng minh Tín vay của những người khác với số tiền hàng tỷ đồng.
Làm việc với cơ quan điều tra, Tín thừa nhận thời điểm mình bị đình chỉ công tác, không còn giữ chức vụ Giám đốc Phòng Giao dịch Phường 7, cũng là lúc những chủ nợ liên tục đòi tiền mà bản thân không còn khả năng thanh toán. Vì sợ bị thưa kiện nên Tín nảy sinh ý định tiếp tục đi vay người khác để trả nợ, Tín phải nói vẫn còn làm giám đốc để họ tin tưởng cho vay và Tín dùng vào việc trả nợ, chi xài cá nhân.
Lời khai của Lê Trung Tín phù hợp với lời khai của người bị hại và các chứng cứ tài liệu khác có trong hồ sơ. Vì vậy, Tín đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vừa qua, Toà án Nhân dân tỉnh Cà Mau đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên toà, Lê Trung Tín vẫn còn quanh co, chưa có thái độ thành khẩn nhận tội. Tuy nhiên, chứng cứ trong hồ sơ và lời khai người bị hại, cho thấy hành vi của Tín là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác một cách trái pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình trật tự ở địa phương, phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt số tiền có giá trị đặc biệt lớn, phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp… nên cần cách ly Tín ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để cải tạo, giáo dục.
Vì vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên bố Lê Trung Tín phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xử phạt Lê Trung Tín 9 năm tù./.
Mỹ Pha