ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 17:09:25
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ấm lòng mùa dịch

Báo Cà Mau (CMO) Trên “mặt trận” phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng ở các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, chốt trạm kiểm soát… ngày đêm căng mình làm nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho Nhân dân. Còn ở “hậu phương” với bao câu chuyện cảm động được viết nên bởi những người dân Cà Mau chân chất, nghĩa tình… Không chỉ làm ấm lòng lực lượng tuyến đầu mà còn lan toả những thông điệp yêu thương, đoàn kết, đồng lòng, với niềm tin sẽ đẩy lùi dịch bệnh.

Bữa cơm nghĩa tình

Tỉnh Cà Mau hiện chưa ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Ðể giữ vững tình hình, tỉnh đã thành lập 18 chốt kiểm dịch Covid-19 được đóng tại Quốc lộ 1, Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 63, lộ Xuyên Á và các chốt trên địa bàn huyện Ðầm Dơi, U Minh, Thới Bình. Ðây là một trong những biện pháp quyết liệt được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh triển khai, nhằm kiểm soát chặt chẽ người và các phương tiện đến, về địa phương, nhất là về từ vùng có dịch.

“Lá chắn” Quản lộ Phụng Hiệp có thể xem là nhiều căng thẳng và áp lực, hàng ngày có 500-600 lượt người nhập tỉnh. Chốt chia thành 4 ê-kíp trực xuyên suốt 24/24, mỗi ca trực 8 giờ. Ðịa bàn xa chợ, xa quán, việc ăn uống của anh em rất vất vả. Anh Hà Chí Khanh, Chốt trưởng, cho biết: “Anh em ăn mì cầm chừng, ngán quá thì cử ra một người nấu nhanh bữa cơm, ăn lót dạ rồi bắt tay vào việc”.

Hôm tôi cùng đoàn của Liên đoàn Lao động tỉnh đến thăm, tặng quà tại đây, ai nấy ngạc nhiên khi có người phụ nữ lạ lăng xăng làm cá, lặt rau. Hỏi ra, chị tên Lê Ngọc Anh (29 tuổi) ở xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, tình nguyện đến nấu cơm sáng, chiều cho anh em trực chốt. Từ ngày có Ngọc Anh, các anh không phải thay phiên nhau nấu cơm, rửa chén. Lúc nắng nóng có ly nước uống mát dạ, lúc mưa có áo ấm tận tay. Hôm nào thấy các anh lạt miệng, Ngọc Anh làm bánh xèo, bánh chuối… đổi bữa.

Một lần thấy nhóm thiện nguyện chia sẻ những hình ảnh của chốt trên Facebook, Ngọc Anh ở nhà nấu sẵn cơm, thức ăn mang lên sẻ chia. Thấy cảnh các anh vất vả mà bữa cơm không tròn, em thương cảm, về bàn với gia đình đi nấu cơm cho chốt và được mọi người ủng hộ. Hơn tháng nay, bắt đầu từ 6 giờ sáng, Ngọc Anh vượt hơn 50 cây số đến chốt nấu nướng, chiều lại chạy về bên gia đình với 2 con nhỏ. Ngọc Anh tâm tình: “Là phụ nữ, tôi không thể giúp gì nhiều trong lúc tình hình dịch bệnh phức tạp, nên nghĩ góp chút công nấu nướng, mong các anh ăn ngon, có nhiều sức khoẻ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Chị Lê Ngọc Anh chăm chút từng món ăn để nhân viên trực chốt được ngon miệng.

Việc làm tốt đẹp của Ngọc Anh được nhiều người đồng tình hưởng ứng. Hàng xóm nhà có cá, khô, rau… đều mang tới để kịp sáng sớm Ngọc Anh chở theo đến chốt. Ngọc Anh vui mừng chia sẻ, các xe tải chở hàng bông mỗi lần ngang qua đều cho rau củ, tuy giá trị không là bao nhưng mọi người thấy ấm áp và thêm động lực làm nhiệm vụ.

Ở những địa bàn nông thôn, hầu như các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đều mượn nhà dân hoạt động. Người dân sẵn sàng góp sức lo cơm nước, chỗ nghỉ ngơi để lực lượng thuận tiện làm nhiệm vụ. Nhà bà Lê Thị Diện, ở Ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, địa bàn tiếp giáp xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, được chọn đóng chốt. Khi cán bộ đến vận động, gia đình bà Diện đồng tình cao, dọn dẹp sân nhà, sắp xếp cây cảnh gọn gàng để chốt hoạt động. Ðây là chốt thứ 3 đóng tại sân nhà bà Diện. Năm rồi là chốt kiểm soát dịch tả heo châu Phi, rồi chốt kiểm soát phòng, chống Covid.

Không chỉ có duyên với chốt, bà Diện còn tất bật lo cơm nước hàng ngày cho 5 người ăn. Bà Diện tâm tình: “Thấy các cháu nhà xa, có đứa ngày chạy xe hơn 20 cây số đến chốt lại thức đêm thức hôm làm nhiệm vụ nên tôi nhận nấu cơm, mong chia sẻ phần nào vất vả với lực lượng trực chốt. Mặc dù nhà đơn chiếc, tôi đã ngoài 60 nhưng luôn cố gắng đổi bữa, để các cháu được ngon miệng, có sức khoẻ mới làm việc tốt được”.

Gửi niềm tin thắng… dịch

Khi mỗi ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật những tin tức về số người nhiễm SARS-CoV-2 tăng lên, thì những câu chuyện đẹp về tình người, về ý thức đẹp trong mùa dịch khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng.

Ðối mặt với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Cà Mau có thư kêu gọi toàn dân đoàn kết, ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ quỹ, tôi thật sự xúc động, cảm phục trước tấm lòng của 11 cụ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Tuổi già, mang nhiều bệnh trong người, số tiền trợ cấp hàng tháng cho đối tượng người có công với cách mạng đủ để trang trải thuốc men, song các cụ vẫn sẵn sàng góp gần 30 triệu đồng, gửi gắm niềm tin thắng dịch như nước ta từng thắng giặc.

Ðây là lần thứ 2 các cụ đóng góp chống dịch Covid-19. Lần thứ nhất vào tháng 4/2020, các cụ đã ủng hộ 23 triệu đồng. Cụ Quách Thị Chao bộc bạch: “Lần này cũng như trước, khi nghe dịch diễn biến phức tạp là tôi theo dõi tin tức suốt, thấy những người trẻ ngày đêm nơi tuyến đầu vất vả, căng thẳng thấy thương quá. Già rồi không giúp được gì, chỉ gửi chút tấm lòng, mong các cháu tiếp nối truyền thống đoàn kết, vững lòng chiến thắng đại dịch”.

Trò chuyện với các cụ, tôi thật sự kính phục vì ai nấy đều có bề dày cống hiến cho quê hương qua các nhiệm vụ giao liên, công tác Ðoàn, rồi Ty Công an… Nay tuổi xế chiều, các cụ lại thể hiện trách nhiệm công dân trong lúc quê hương, đất nước gặp khó khăn do đại dịch Covid. Tại buổi trao thư cảm ơn tấm lòng của các cụ, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH Nguyễn Thu Tư bày tỏ: “Thật không thể so sánh tiền tỷ hay hàng trăm triệu đồng như các tổ chức, doanh nghiệp lớn, nghĩa cử của các cụ đã nhân lên hành động đẹp, là tấm gương sáng để các cháu ở trung tâm và cả xã hội kính trọng, noi theo”.

Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH Nguyễn Thu Tư trao thư cảm ơn đến 11 cụ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Khắp nơi trên mảnh đất cực Nam này còn có rất nhiều cá nhân đã trích một số tiền không hề nhỏ của gia đình vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Hộ ông Trịnh Xuân Ðào ở Khóm 8, Phường 5, góp 10 triệu đồng. Cháu Nguyễn Phúc Hân, Khóm 1, Phường 6 để dành tiền mua quà bánh, đóng góp 100.000 đồng vào quỹ,… Tuổi nhỏ các em biết sống yêu thương, biết sẻ chia giúp đỡ mọi người, thật đáng trân quý. Ðâu đó chắc hẳn sẽ có những người bán vé số, thợ hồ, xe ôm…  tần tảo mưu sinh vẫn không quên trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Mỗi người góp ý thức đẹp, việc làm tốt sẽ nhân lên những điều tích cực trong cuộc sống. Nông dân Nguyễn Văn Hận (ấp Láng Cùng, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước), tự nguyện dời ngày cưới của con trai, khi đã phát 300 thiệp mời, để góp phần phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều gia đình hoãn đám giỗ, tiệc sinh nhật, liên hoan. Cán bộ, giáo viên Trường THPT Phan Ngọc Hiển (huyện Năm Căn) tự tay làm trên 500 mặt nạ chắn giọt bắn tặng lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 nơi tuyến đầu. Lực lượng đoàn viên, phụ nữ ra quân hướng dẫn người dân cài đặt Bluezone, Vietnam health, may khẩu trang trao tận tay người dân…

Còn rất nhiều những hình ảnh, những câu chuyện đẹp của người Cà Mau trong những ngày chống dịch; những việc làm có ý nghĩa xuất phát từ tấm lòng ấy không chỉ tiếp thêm động lực cho lực lượng đang ngày đêm trên tuyến đầu mà còn lan toả, nhân lên hành động tử tế trong cộng đồng xã hội./.

 

Mộng Thường

 

Sai lầm trong sơ cứu rắn cắn - Hậu quả khó lường

Mùa hè là thời điểm trẻ em nghỉ học, vui chơi nhiều hơn nên cũng là lúc dễ xảy ra các tai nạn ngoài ý muốn, trong đó có những tình huống nguy hiểm nhưng thường bị xem nhẹ, đó là bị rắn cắn.

Nuôi cá bảy màu phòng bệnh sốt xuất huyết

Hằng năm, đến mùa mưa, muỗi vằn phát triển mạnh, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát cao. Những năm qua, ngành y tế Cà Mau đẩy mạnh các giải pháp phòng bệnh, trong đó, mô hình nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao.

Mối đe doạ thầm lặng với trẻ nhỏ

Hút thuốc lá không chỉ là thói quen có hại với chính người hút thuốc mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Cà Mau tăng cường quản lý, phòng chống bệnh không lây nhiễm

Các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và gánh nặng y tế tại Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Cần có bước tiến trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm để tạo nền tảng vững chắc hướng đến một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Tập huấn sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”

Sáng nay (30/6), Sở Y tế Cà Mau phối hợp Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh, Trung tâm thông tin Y tế Quốc gia và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức tập huấn khám chữa bệnh từ xa, sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” dành cho cán bộ nòng cốt ngành y tế tỉnh Cà Mau. 

Viện Pasteur nâng cao năng lực xét nghiệm cho y tế tuyến tỉnh, huyện

Sáng 25/6, Viện Pasteur phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau tổ chức khóa tập huấn “Đánh giá nội bộ về quản lý chất lượng xét nghiệm y học”.

Triển khai rộng rãi dịch vụ xét nghiệm HIV Online

Sau hơn 3 năm triển khai mô hình xét nghiệm HIV Online thông qua website: “tuxetnghiem.vn” tại tỉnh Cà Mau, cho thấy sự tiện ích rõ rệt từ mô hình này. Hiện nay, ngành y tế tăng cường các hoạt động truyền thông để đưa dịch vụ thực hiện rộng rãi trong cộng đồng.

Vì đôi mắt trẻ thơ

Với mong muốn mang lại ánh sáng và sự tự tin cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn bị các bệnh về mắt, vừa qua, Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, các chuyên gia đến từ TP Hồ Chí Minh và Quỹ Chăm sóc mắt Hà Lan (ECF) tổ chức đợt phẫu thuật mắt miễn phí cho hơn 60 trẻ dưới 15 tuổi mắc các bệnh lý lé mắt, sụp mi.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch từ hút thuốc lá

Ngày càng có nhiều bằng chứng về mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh tim mạch. Để phòng bệnh tim mạch, một trong những biện pháp đơn giản là không sử dụng thuốc lá và sống trong môi trường không khói thuốc lá.

Tận tâm vì sức khoẻ Nhân dân

Phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành y tế, những năm qua, đội ngũ thầy thuốc trẻ tỉnh Cà Mau nỗ lực học tập, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao y đức. Qua đó, đã có những tấm gương sáng, điển hình tiên tiến vì sức khoẻ của người dân.