Chiều 7/6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Quản lý dự án và Tổ giúp việc Ban Quản lý dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” tại tỉnh Cà Mau (gọi tắt là dự án DIRECT) tổ chức cuộc họp đánh giá hoạt động đã triển khai đến ngày 31/5/2024.
Ông Bùi Văn Toàn, Giám đốc Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam, chia sẻ về hoạt động của Hội tại Việt Nam trong 32 năn qua.
Mục tiêu chung của dự án là mở rộng cơ hội cho người khuyết tật thông qua các dịch vụ phục hồi chức năng chất lượng cao bền vững, nâng cao nhận thức và tăng cường truyền thông. Đơn vị quản lý dự án là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau; nguồn kinh phí của dự án là 27,6 tỷ đồng; thời gian thực hiện 18 tháng, từ tháng 3/2024-9/2025; 4 huyện, thành phố ưu tiên là Cà Mau, U Minh, Thới Bình và Cái Nước, riêng mảng đào tạo thì thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Phan Quốc Bảo, Điều phối dự án tại Cà Mau, chia sẻ những hoạt động của dự án đã triển khai tại tỉnh Cà Mau.
Ông Phan Quốc Bảo, Điều phối Dự án tại Cà Mau, cho biết: “Đối với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Dự án đã hỗ trợ 39 trẻ em khuyết tật, 9 dụng cụ can thiệp cho người khuyết tật, sửa chữa 1 nhà vệ sinh; nâng cấp 1 nhà ở cho người khuyết tật ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Cùng nhiều lớp đào tạo, tập huấn cho các bác sĩ, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu. Sắp tới sẽ tiến hành khám sàng lọc từng xã, phường nhằm phát hiện sớm và can thiệp sớm bằng biện pháp cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng tại nhà cũng như cung cấp sinh kế cho người già và trẻ em”.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, Phó trưởng Ban thường trực Ban Quản lý dự án, cho biết đầu công việc đã có, chỉ cần căn cứ vào đó là triển khai.
Hội nghị cũng đã đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của dự án, đồng thời đề ra nhiều giải pháp phát huy hiệu quả dự án ý nghĩa dân sinh này. Công tác đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt được dự án quan tâm, chính vì thế đến nay đã chọn được 33 cán bộ (16 bác sĩ, 17 kỹ thuật viên phục hồi chức năng) để đào tạo; hy vọng nguồn nhân lực này sẽ làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ người khuyết tật trong thời gian tới.
Ông Bùi Văn Toàn, Giám đốc Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam, cho biết: “Tính đền nay, dự án đã triển khai tại Việt Nam được 32 năm, tập trung hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi; đối tác chính là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, giáo dục và đào tạo, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin…
Đã qua, dự án đã hỗ trợ nhiều dụng cụ chăm sóc trẻ em khuyết tật tại tỉnh Cà Mau.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, Phó trưởng Ban thường trực Ban Quản lý dự án, mong muốn: “Hiện nay chúng ta đã có Ban Quản lý dự án, đã xác định đầu công việc rõ ràng, thuộc nhiệm vụ của nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều địa phương… Vì thế, chúng ta sẽ có quy chế phối hợp phù hợp nhất, có các đầu công việc, thời gian cụ thể, ai là chủ công của đầu công việc… như vậy thì công việc mới “trôi” được".
Phú Hữu