(CMO) Bộ GD&ĐT vừa ban hành công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Trong đó, Bộ GD&ĐT nêu rõ: “…Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa (SGK)”. Vấn đề này làm nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều trong quá trình giảng dạy tại các trường trên địa bàn tỉnh.
Cô Nguyễn Thanh Nhàn, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cho biết: “SGK là kiến thức không thể thiếu đối với học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, việc thi cử, học tập hướng theo chủ trương đổi mới thì vị trí độc tôn của SGK sẽ không phù hợp. Vì muốn đổi mới phải cần kiến thức mở rộng”.
Không phù hợp xu hướng đổi mới
Vấn đề không dạy kiến thức ngoài SGK gây bất lợi lớn đối với những môn xã hội. Việc nếu chỉ áp dụng kiến thức trong SGK thì kiến thức ở môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân sẽ trở thành những kiến thức khô khan, học sinh hoàn toàn thụ động, không khơi gợi sự sáng tạo.
Hiện nay, học sinh được tiếp cận vô vàn nguồn tri thức. Các em sẽ có được những suy nghĩ, cảm nhận riêng khi vô tình tiếp nhận một sự việc trong cuộc sống. Do đó, nếu giáo viên coi SGK ở vị trí “độc tôn” thì e rằng những kiến thức SGK sẽ trở thành nhàm chán, mất đi tính chân thực, làm hạn hẹp sự sáng tạo của học sinh.
Học sinh rất cần những kiến thức xã hội để hoàn thiện kỹ năng. |
“Những năm gần đây, các đề thi môn xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia luôn mang tính chất gợi mở cho học sinh. Nếu chủ trương chỉ dạy nội dung trong SGK thì học sinh làm sao có đủ kiến thức đáp ứng yêu cầu của đề thi?”, thầy Lưu Đình Luân, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Tắc Vân, TP Cà Mau, nhận định.
Đó cũng là ý kiến của cô Phùng Thị Hương Lan, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Tắc Vân. Cô Lan cho rằng, việc tuyệt đối không dạy những kiến thức ngoài SGK là không hợp lý. Vì Ngữ văn là môn học giúp học sinh phát huy năng lực tư duy trong vấn đề nhận thức về cuộc sống thông qua những bài học được giáo viên giảng dạy. Những kiến thức SGK là khung chương trình chuẩn xác, giúp học sinh định hướng rõ ràng chứ chưa hẳn “độc tôn” vì lượng kiến thức xã hội rất rộng lớn, cần sự nhận thức sáng tạo trong mỗi học sinh.
Thầy Thái Văn An, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Văn Lâm, chia sẻ: “Vấn đề này đúng nhưng chưa đủ. Vì hiện nay có một số thầy cô dạy theo kiểu lan man, không định hướng cho học sinh theo khung chương trình trong SGK. Tuy nhiên, nếu không dạy kiến thức ngoài xã hội, liệu rằng các môn xã hội có làm hết vai trò của nó? Môn xã hội thì rất cần những kiến thức thực tế để phát huy kiến thức cơ bản trong SGK”.
"Làm khó" giáo viên và học sinh
Định hướng mở rộng kiến thức, đổi mới thi cử, học hành nhưng “tuyệt đối” lại trở thành lối lạc hậu, cứng nhắc. Đề thi mang tính gợi mở, rất nhiều kiến thức bên ngoài nhưng chỉ giảng dạy trong khuôn khổ SGK đã tạo ra nhiều mâu thuẫn. Chỉ dạy và học kiến thức SGK thì sự đổi mới sẽ hoàn toàn biến mất, sự sáng tạo, tư duy của học sinh không được phát huy mà trái lại lối học vẹt, thụ động lại bắt đầu phát triển.
Cô Trần Bích Huyền, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lý Văn Lâm, cho biết, đề thi là dành cho tất cả học sinh trong cả nước nên việc không dạy những nội dung ngoài SGK đã tạo hệ thống kiến thức giống nhau, giáo viên sẽ không giảng dạy vượt qua những khung kiến thức trong SGK. Tuy nhiên, để phát huy lượng kiến thức đó, học sinh rất cần được tiếp cận nguồn kiến thức bên ngoài để hoàn thiện kỹ năng.
SGK là tài liệu kiến thức chính thức mà Bộ GD&ĐT ban hành, giúp giáo viên định hướng cho học sinh những kiến thức chuẩn xác mà Bộ quy định. Do đó, mỗi giáo viên giảng dạy cần có phương pháp truyền đạt kiến thức linh hoạt, tránh rập khuôn, nên tạo định hướng phát triển những kỹ năng thích hợp cho học sinh. Tuy nhiên, với chủ trương “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK” vô tình gây ra nhiều mâu thuẫn trong việc giảng dạy và thi cử. Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần có những phản hồi phù hợp hơn cho giáo viên, học sinh, để trong quá trình giảng dạy và thi cử đạt được sự đồng nhất./.
Hằng My