Không dừng lại ở việc dùng lời nói để chửi bới, lăng mạ, bạo lực học đường (BLHÐ) ngày càng nguy hiểm hơn với hình thức dùng vũ lực để đánh đập gây thương tích. Nhiều vụ học sinh đánh nhau với hậu quả nghiêm trọng liên tiếp diễn ra gây bức xúc trong xã hội.
Ông Cao Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau, cho biết, những năm gần đây, BLHÐ có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi học sinh cuối cấp THCS và THPT. Mặc dù ngành giáo dục, chính quyền, các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp can thiệp, ngăn chặn nhưng hiện tượng bạo lực vẫn còn xảy ra trong và ngoài trường học dưới nhiều hình thức. Vấn đề càng trở nên nhức nhối hơn là BLHÐ không chỉ xảy ra giữa các học sinh nam mà còn có các học sinh nữ và cả từ phía giáo viên với học sinh.
Không ít vụ BLHÐ với hậu quả nghiêm trọng đã gây ra tâm lý hoang mang cho các bậc phụ huynh, học sinh và làm mất trật tự, kỷ cương ở địa phương.
Tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh góp phần ngăn chặn bạo lực trong học đường. |
Em Hồ Lê Nguyễn, học sinh lớp 12B3, Trường THPT Cà Mau, bày tỏ: “Tình trạng học sinh tụ tập đánh nhau không chỉ ảnh hưởng việc học tập của đối tượng tham gia mà còn gây sợ sệt cho các bạn học sinh khác. Ðặc biệt, hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip học sinh đánh nhau, điều đáng nói là có cả các bạn nữ. Ðây là những hành vi trái với đạo đức, chuẩn mực của xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của học sinh”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLHÐ. Từng đảm nhận vai trò giáo viên chủ nhiệm, cô Ðinh Thị Ngọc Lam, Trường THPT Cà Mau, cho biết: “Hầu hết những học sinh thường xuyên gây gổ, đánh nhau là những học sinh cá biệt, thiếu sự quan tâm, giáo dục từ phía gia đình. Không ít trường hợp phụ huynh nuông chiều con quá mức, chỉ đáp ứng về nhu cầu vật chất mà quên đi nhu cầu tinh thần, thiếu sự quan tâm, kiểm soát đến suy nghĩ và hành động của con em mình”.
Ở lứa tuổi vị thành niên, các em phát triển mạnh về thể chất nhưng khả năng kiềm chế kém dẫn đến tình trạng muốn chứng tỏ bản thân, khẳng định cái tôi cá nhân, dẫn đến dùng vũ lực thể hiện sự vượt trội của mình so với bạn bè.
Thêm vào đó là sự tác động, lôi kéo từ các thành phần xấu trong xã hội, sự phát triển tràn lan từ các game, phim ảnh mang tính bạo lực, hành động đã góp phần hình thành “nhu cầu bạo lực” của các học sinh ở lứa tuổi tâm lý chưa vững vàng.
Em Ðinh Hạnh Nguyên, học sinh lớp 12B6, Trường TPHP Cà Mau, mong muốn: “Nhà trường nên thường xuyên tổ chức những buổi tuyên truyền để nâng cao ý thức về bạo lực học đường cho học sinh, thành lập nhiều câu lạc bộ nhằm tạo những sân chơi bổ ích để học sinh tránh tiếp xúc với những đối tượng xấu, những trò chơi bạo lực, thiếu lành mạnh. Bản thân là học sinh, em sẽ chủ động tìm hiểu những cách giải quyết mâu thuẫn mà không cần dùng đến bạo lực, hướng đến những nét đẹp trong giao tiếp, cư xử”.
Ông Cao Minh Hồng cho biết thêm, giáo dục từ gia đình và nhà trường giữ vai trò then chốt trong việc hình thành đạo đức và nhân cách của học sinh. Do đó, thời gian tới, Sở GD&ÐT sẽ chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Ðồng thời thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục về pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của học sinh trong việc “nói không với BLHД, phát huy hơn nữa vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác những hành vi bạo lực đối với bản thân, bạn bè, để nhà trường và gia đình có biện pháp xử lý kịp thời./.
Bài và ảnh: Ðào Kim