(CMO) 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh, tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em có chiều hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp. Đã khởi tố 14 vụ, 10 đối tượng liên quan đến XHTD trẻ em. Những vụ án trên chính là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh cần phải chú ý bảo vệ con em mình.
Vì còn quá nhỏ, không có khả năng tự vệ, trẻ em rất dễ bị dụ dỗ, trở thành mục tiêu của nhiều kẻ biến chất. Việc XHTD trẻ em không chỉ là vấn đề của riêng cá nhân nạn nhân mà là vấn đề đáng quan ngại của toàn xã hội.
Theo bà Bùi Lệ Oanh, Trưởng Phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH, năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có các vụ việc liên quan đến bạo hành, XHTD trẻ em với diễn biến ngày càng phức tạp, đau lòng. Để ngăn chặn, phòng ngừa xâm hại, trẻ em cần nhận được sự quan tâm đúng mức từ các ngành, các cấp chính quyền và cả bậc cha mẹ.
Các em học sinh đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề phòng, chống bạo lực, XHTD trẻ em tại diễn đàn “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” năm 2017. |
Bà Bùi Lệ Oanh chia sẻ, đối với các gia đình nạn nhân khi phát hiện con em mình bị xâm hại không nên im lặng. Việc đầu tiên là phải tố cáo hoặc báo cáo ngay vụ việc kèm theo các chứng cứ (nếu có) càng sớm càng tốt cho cơ quan công an (có thể theo hình thức đơn tố cáo hoặc báo cáo qua điện thoại, qua đường dây nóng tố giác tội phạm), hoặc qua tổng đài quốc gia 18001567, hoặc qua tổ chức ngành LĐ-TB&XH, hội phụ nữ các cấp.
Việc tố cáo sớm giúp các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, điều tra, xác minh, bắt giữ tội phạm và giám định tổn thương của trẻ, đó là những cơ sở rất quan trọng để xử lý tội phạm kịp thời. Đồng thời, cộng tác tích cực với cơ quan công an trong việc cung cấp thông tin, chứng cứ liên quan đến vụ việc, giám định tổn thương của trẻ. Bên cạnh đó, phải có biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ, an ủi, động viên, quan tâm để trẻ nói hết sự thật.
Bạo lực, XHTD đối với trẻ em để lại hậu quả nhức nhối cho chính các em, gia đình và xã hội. Vì vậy, công tác phòng ngừa càng phải đặt lên hàng đầu, trước hết là trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng vệ, kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gia đình và xã hội, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là những hành vi gây tổn hại thể chất, tinh thần của trẻ. Có thể thấy rằng, thời gian qua, việc điều tra, xét xử các hành vi dâm ô, xâm hại trẻ em còn gặp nhiều khó khăn do cơ quan chức năng không thể thu thập đủ chứng cứ để buộc tội hung thủ, chính vì thế, việc chung tay, lên tiếng từ cộng đồng xã hội là điều hết sức cần thiết.
Cùng với đó, vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân rất cần đề cao nhằm xây dựng gia đình bền vững - đây được xem là nền tảng quan trọng nhất để hình thành nhân cách, kỹ năng sống cho trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy thay đổi tâm sinh lý cần thiết, từ đó trang bị cho con biết cách thức phòng vệ trước nguy cơ có thể xảy ra. Đối với chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết, quan tâm hơn nữa đến đời sống, điều kiện học tập, vui chơi của trẻ...
Bà Trương Linh Phượng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, khẳng định: Bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bạo hành, XHTD là vấn đề không của riêng ai mà là trách nhiệm chung của cộng đồng, của toàn xã hội. Do đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm của gia đình, xã hội, của các cấp uỷ, chính quyền, các ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, bình đẳng và lành mạnh cho mọi trẻ em./.
Thanh Phương