Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang tiếp tục lây lan nhanh trong cộng đồng, với số ca mắc được ghi nhận đang tăng vọt. Tình hình dịch tễ đến nay vẫn trong tầm kiểm soát, chưa có ca diễn biến nặng.
Chỉ trong vòng 4 ngày (25-28/9), toàn tỉnh đã ghi nhận 6.150 ca bệnh đau mắt đỏ. Trong đó, số ca mắc nhiều nhất vẫn là TP Cà Mau với 1.254 ca; huyện Trần Văn Thời với 1.050 ca; huyện Thới Bình 940 ca; huyện Cái Nước 723 ca; huyện U Minh 652 ca,… Theo thống kê của Bệnh viện Mắt - Da liễu, từ đầu dịch đến nay, số ca đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận gần 17.800 ca. Trong đó, nhiều nhất là TP Cà Mau với gần 4.000 ca, huyện Trần Văn Thời gần 3.000 ca, huyện Thới Bình trên 2.300 ca, huyện Cái Nước gần 1.700 ca, huyện U Minh khoảng 1.650 ca,...
Phân tích tình hình gia tăng ca mắc của các đơn vị trong toàn tỉnh trong tuần qua cho thấy, bệnh đau mắt đỏ đa số tập trung ở lứa tuổi học sinh. Thời gian qua, đa số bệnh nhân đi khám tại huyện, xã gần nơi họ sinh sống, chỉ có biến chứng nặng mới được chuyển tuyến lên các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Vì thế, tỷ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh thấp.
Bác sĩ chuyên khoa mắt Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau thăm khám mắt cho trẻ.
Bác sĩ Ngô Thanh Tân, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt - Da liễu, khuyến cáo: “Trước tình hình này, người dân cần đảm bảo khâu vệ sinh, rửa trùng, sát trùng bàn tay, không dùng tay dụi lên mắt. Nếu có bị bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa mắt hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn. Tuyệt đối không được đấp hoặc chữa bằng phương pháp dân gian. Hạn chế tối đa nhỏ những loại thuốc không có ý kiến của bác sĩ".
“Dấu hiệu của bệnh này chỉ biểu hiện ở đôi mắt, bị xốn, cộm, khó chịu, chảy nước mắt. Sau đó dịch tễ diễn biến nhanh, khoảng 3 ngày là hết, nên mọi người cũng không nên hoang mang”, Bác sĩ Tân lưu ý.
Ngoài ra, ghi nhận hiện nay trên thị trường, các loại thuốc điều trị, phòng ngừa bệnh về mắt đang “cháy hàng”, do người dân đổ xô đi mua thuốc. Bác sĩ Tân nhấn mạnh: “Đối với một số người chưa mắc bệnh nhưng đến các hiệu thuốc để mua thuốc dự phòng là vô cùng nguy hiểm, bởi có những loại thuốc nhỏ có chất gây nguy hiểm cho mắt. Biện pháp tốt nhất là rửa mắt bằng nước sạch hoặc nhỏ nước muối sinh lý NaCL 0,9%”.
Hiện nay, các nhà thuốc vẫn đảm bảo lượng thuốc hỗ trợ phòng bệnh về mắt. Người dân cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi mua điều trị bệnh.
Ông Trần Quang Khoá, Phó giám đốc Sở Y tế, đề nghị, trung tâm y tế huyện/thành phố tham mưu UBND huyện, thành phố và phối hợp với các ban, ngành (đặc biệt là ngành giáo dục) tăng cường giám sát, điều tra xử lý các ổ dịch đau mắt đỏ tại cộng đồng và các trường mầm non, tiểu học,…, cần đảm bảo vệ sinh trường lớp. Thường xuyên chủ động theo dõi đánh giá tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn để kịp thời có biện pháp phòng chống và tuyên truyền phù hợp. Các bệnh viện công lập và tư nhân chủ động chuẩn bị đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, thuốc và vật tư y tế đảm bảo việc tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh.
"Về vấn đề thuốc điều trị đau mắt đỏ trên thị trường, Sở cũng đã chỉ đạo phòng chuyên môn rà soát tình hình tại các nhà thuốc, ghi nhận chỉ thiếu giai đoạn đầu, hiện nay cơ bản đã ổn định hơn", ông Khoá thông tin thêm.
Hồng Nhung