(CMO) Thời gian gần đây, bệnh tay - chân - miệng (TCM) trên địa bàn huyện Đầm Dơi có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân cần có những biện pháp phòng chống chủ động, kịp thời, nhằm đảm bảo bệnh không phát triển thành dịch và lan rộng.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa huyện Đầm Dơi tiếp nhận hơn 10 ca mắc TCM. Tính từ đầu năm đến nay, số trường hợp mắc bệnh TCM tăng đột biến, với gần 820 ca, tăng hơn 68% so cùng kỳ năm 2016.
![]() |
Số ca mắc bệnh TCM đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn huyện Đầm Dơi. |
Hiện tại, các giường bệnh của Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Đầm Dơi đang trong tình trạng quá tải. Bệnh viện phải bố trí thêm giường để tiếp nhận bệnh nhân mới. Nhiều gia đình có 2 trẻ thì cả 2 đều mắc bệnh.
Đơn cử như gia đình chị Trần Thu Phương, cư ngụ ấp Cầu Ván, xã Quách Phẩm Bắc. Nhà chị có 2 con trai. Con trai lớn phát bệnh 2 ngày thì đến lượt con trai nhỏ cũng nhập viện sau đó vì bệnh TCM. Do không am hiểu đầy đủ kiến thức về cách phòng chống căn bệnh này, gia đình không thực hiện biện pháp cách ly trẻ bị bệnh theo đúng khuyến cáo của ngành y tế.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Dương Quốc Thống, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đầm Dơi, đây là loại bệnh xảy ra quanh năm, nhưng cao điểm từ tháng 8-10 hằng năm. Hiện trên địa bàn huyện Đầm Dơi có số ca mắc bệnh TCM tăng cao đứng đầu tỉnh. Nguyên nhân chính là do đa phần người dân chưa có ý thức cao trong việc phòng, dẫn đến bệnh lây lan nhanh.
Đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 70.000 trường hợp mắc bệnh TCM. Cà Mau là một trong những địa phương có số ca mắc TCM cao. Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.600 trường hợp mắc bệnh TCM, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2016.
TCM là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hoá, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Ngành Y tế khuyến cáo, do chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên công tác phòng bệnh được xem là yếu tố tiên quyết nhằm tránh bệnh phát triển nhanh, lan rộng.
Để phòng bệnh này, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, khi tiếp xúc với trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất./.
Lê Chí