Trái tim của người lớn khi nghỉ ngơi thường đập từ 60-100 lần/phút. Nhịp tim trên 100 lần/phút là nhịp tim nhanh, nếu mắc chứng nhịp tim chậm, số nhịp đập sẽ ít hơn 60 lần/phút.
Rối loạn nhịp tim có thể trở nên nghiêm trọng nếu tim không bơm đủ máu giàu oxy cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với một số người, nhịp tim chậm hơn 60 nhịp mỗi phút là bình thường, không gây ra các triệu chứng hoặc biến chứng. Đặc biệt là người trưởng thành khoẻ mạnh và vận động viên được đào tạo. Nhiều vận động viên thể thao có nhịp tim lúc nghỉ ngơi chỉ từ 45-60 lần/phút. Tuy nhiên, bệnh tim đập chậm cũng có thể tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
Các vấn đề về tim liên quan đến nhịp tim chậm dễ gặp hơn ở người lớn tuổi. (Ảnh minh hoạ)
Nhịp tim chậm là do cái gì đó phá vỡ những xung điện bình thường kiểm soát tỷ lệ hoạt động bơm của tim. Nhiều việc có thể gây ra hoặc góp phần vào vấn đề với hệ thống điện tim, bao gồm: thoái hoá của mô tim liên quan đến lão hoá, thiệt hại cho các mô tim do bệnh tim hoặc đau tim, tăng huyết áp, tim khiếm khuyết bẩm sinh, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, sự gián đoạn lặp đi lặp lại của hơi thở trong khi ngủ… Tim đập chậm thường gặp ở người già, có hoặc không có chứng xơ vữa động mạch và ở trẻ em mắc một số bệnh tim bẩm sinh.
Nếu có nhịp tim chậm, não và các cơ quan khác có thể không được cung cấp dưỡng khí mà nó cần. Bệnh tim đập chậm thường không có triệu chứng trừ khi nhịp tim dưới 40-50 lần/phút. Triệu chứng xuất hiện do cung lượng tim bị giảm, đó là mệt mỏi, khó thở, chóng mặt và thậm chí là ngất.
Người dân nên thường xuyên kiểm tra sức khoẻ để phòng các bệnh liên quan đến tim mạch.
Bác sĩ Hồ Thanh Đảm, Trưởng Khoa Truyền thông – Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cho biết: “Yếu tố nguy cơ chính làm cho nhịp tim chậm là do tuổi tác. Các vấn đề về tim, thường liên quan đến nhịp tim chậm dễ gặp hơn ở người lớn tuổi. Yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim như: nhịp tim chậm thường được gắn liền với thiệt hại cho các mô tim từ một số loại bệnh tim. Vì vậy, yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim cũng có thể làm tăng nguy cơ nhịp tim chậm. Phong cách sống thay đổi hoặc điều trị y tế có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim liên quan đến các yếu tố tăng huyết áp, cholesterol cao, hút thuốc lá, tiêu thụ rượu nhiều, tâm lý căng thẳng hoặc lo âu. Nếu nhịp tim chậm gây ra các triệu chứng, các biến chứng có thể xảy ra bao gồm: ngất thường xuyên, tim không có khả năng bơm đủ máu (suy tim), ngừng tim đột ngột hoặc đột tử”.
“Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhịp tim chậm là giảm nguy cơ phát triển bệnh tim. Nếu bị bệnh tim, cần theo dõi và theo dõi kế hoạch điều trị để giảm nguy cơ nhịp tim chậm. Điều trị hoặc loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh tim. Cần thực hiện các bước sau: tập thể dục và ăn uống lành mạnh, ít béo, ít muối, ít đường; ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Duy trì cân nặng ở mức vừa phải, rhừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Giữ huyết áp và mỡ máu trong tầm kiểm soát. Thay đổi lối sống và dùng thuốc theo quy định điều trị. Không sử dụng thuốc lá và các chất kích thích, hạn chế đồ uống có cồn. Tránh để tâm lý căng thẳng hoặc lo lắng. Kiểm tra sức khỏe định kỳ. Theo dõi và điều trị bệnh tim hiện có...”, Bác sĩ Đảm thông tin.
Kim Hoài