Bác sĩ Châu Tấn Đạt, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau. chia sẻ: “Thật ra, khi mắc phải căn bệnh ung thư cũng không có nghĩa là sẽ chết, bởi thực tế có tới trên 80% số ca mắc ung thư có thể được chữa khỏi, nếu phát hiện vào giai đoạn sớm. Giới chuyên môn đã xác định, những người được điều trị thành công ung thư và không bị tái phát trong vòng 5 năm thì được xem là điều trị khỏi”.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cà Mau kiểm tra và tư vấn các dấu hiệu bệnh ung thư cho bệnh nhân.
Song, để công tác điều trị ung thư thành công, các yếu tố cơ bản có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị đó là: loại bệnh ung mắc phải; giai đoạn bệnh và khả năng đáp ứng của bệnh với việc điều trị. Vấn đề nan giải hiện nay là các căn bệnh ung thư thường có những diễn biến khác nhau, nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Vì vậy, đối với mỗi loại bệnh cần có phác đồ điều trị khác nhau. Phần lớn các trường hợp ung thư da có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Rất nhiều ca bệnh ung thư tuyến giáp trạng và ung thư dây thanh được điều trị khỏi bằng xạ trị.
Thực tế, nhiều người khi biết mình mắc ung thư sẽ cảm thấy bị “sốc”. Chính những cảm xúc này đã khiến cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi và suy sụp nhanh chóng hơn trong suốt quá trình điều trị. Ông Đ.H.T, 62 tuổi, ngụ Khóm 5, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, là một điển hình như vậy.
Ông T tâm sự: “Lúc đầu tôi bị đau vòm họng, khó ăn khó nuốt…, nghĩ là bị viêm họng hạt, nên cứ đi khám bác sĩ phòng mạch tư. Đến khi kiểm tra ở tuyến trên mới biết mình bị ung thư vòm họng. Thật tình cho tới giờ, sau khi đã điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh gần một năm, tôi vẫn còn thấy cảm hoang mang, lo sợ…”.
Một bệnh nhân bị ung thư vòm họng sau thời gian hóa trị, được cán bộ y tế phụ trách chương trình của xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn thăm khám tại nhà.
Bác sĩ Châu Tấn Đạt khuyến cáo: "Người bệnh ung thư nên chăm chỉ vận động mỗi ngày. Việc tập thể dục, rèn luyện thể chất thường xuyên không chỉ giúp người bệnh phòng ngừa một số bệnh tật (trong đó bao gồm cả căn bệnh ung thư). Đồng thời còn giúp giảm căng thẳng hiệu quả, tạo sự hưng phấn cho người bệnh. Việc tập luyện cũng phải lựa chọn chế độ phù hợp với thể trạng sức khoẻ của mỗi người bệnh”.
Hiện nay, căn bệnh ung thư (trong đó có nhiều loại ung thư mới được y học hiện đại phát hiện) đang ngày càng khá phổ biến trong cộng đồng; đối tượng, độ tuổi mắc phải cũng ngày càng đa dạng. Điều đáng lo ngại hơn chính là lứa tuổi thanh thiếu niên đang có xu hướng mắc phải nhiều căn bệnh ung thư nguy hiểm. Trong khi hầu hết đều không được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nguyên nhân do sự chủ quan, nhiều người cho rằng ở độ tuổi trẻ, sức khoẻ còn tốt, kháng thể còn nhiều… thì khó có thể mắc phải căn bệnh ung thư. Thực tế, ung thư là do rất nhiều yếu tố tác động nên như: gen di truyền từ ông bà, cha mẹ; từ sự ảnh hưởng của môi trường ngày càng bị ô nhiễm; từ lối sống, thói quen ít vận động, thức khuya, thiếu ngủ, ăn uống nhiều loại thực phẩm có chứa hoá chất, lạm dụng chất bảo quản…
Bác sĩ Khoa ung bướu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau thăm khám bệnh nhân ung thư đang điều trị tại khoa ung bướu.
Một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, ưu tiên bổ sung các loại trái cây, rau, củ, đặc biệt là những loại rau và trái cây, cung cấp cho cơ thể nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất, hợp chất chống oxy hoá, sẽ giúp ngăn ngừa hoạt động của gốc tự do và góp phần phòng ngừa được bệnh ung thư.
Tuy nhiên, vấn đề căn cơ vẫn là phải kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Rất nhiều người không hề có biểu hiện bất thường, nhưng khi đi tầm soát thì được các bác sĩ chẩn đoán đã mắc căn bệnh ung thư. Việc chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm sẽ giúp tăng hiệu quả trong công tác điều trị bệnh, có cơ hội chữa khỏi bệnh triệt để. Hơn nữa, việc phát hiện ung thư ngay ở giai đoạn sớm cũng có thể giúp tâm lý bệnh nhân tốt hơn, suy nghĩ tích cực hơn trong việc hợp tác cùng bác sĩ điều trị./.
Phương Vũ