Theo thông tin từ bệnh viện, sau thời gian điều trị, hiện sức khoẻ của bệnh nhân bình phục hoàn toàn và sẽ xuất viện vào ngày mai (31/10).
Bệnh nhân là anh T.V.M, 42 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Anh T.V.M được đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cà Mau tận tình cứu chữa, hiện sức khoẻ anh hồi phục tốt.
Theo người nhà kể lại, vào khoảng 12 giờ trưa ngày 23/10, anh M từ ngoài đầm nuôi tôm vào nhà, do thời tiết nắng nóng nên anh mới vào phòng bật máy lạnh lên để nằm nghỉ. Khoảng chừng 10 phút thì người nhà nghe tiếng anh la thất thanh từ trong phòng.
Chị Từ Thị Kiều, chị ruột của anh M, kể lại: “Lúc đó em tôi không còn cảm giác gì hết, chỉ biết la và quậy. Gia đình mới tức tốc đưa nó xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Nhưng mới tới vòng xoay tượng đài thì nó hước lên rồi tắt thở luôn. Khi vào đến bệnh viện thì được bác sĩ chẩn đoán là đã ngưng tim hơn 10 phút rồi”.
Ths. Bác sĩ Lê Quang Tuấn, Phó trưởng Khoa Nội tim mạch, phụ trách Đơn vị can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Khi tiếp nhận bệnh thì ekip Khoa Cấp cứu tận tình can thiệp, bệnh nhân được hồi sức xoa bóp tim ngoại động ngực, đặt nội khí quản, bóp bóng, sau đó bệnh nhân được chỉ định đưa vào phòng thông tim và can thiệp mạch vành. Khoảng 15 phút thì bệnh nhân được tái thông động mạch vành (động mạch bị tắt nghẽn). Bệnh nhân được hồi phục”.
“Đây là một trong những ca mà bệnh viện đã triển khai kỹ thuật hồi sức, can thiệp cấp cứu để cứu sống bệnh nhân. Trong 3 năm qua, bệnh viện đã cứu được nhiều ca có tiền sử bệnh như vậy. Khi cứu sống được bệnh nhân thì đội ngũ y bác sĩ chúng tôi rất vui, rất hạnh phúc”, Bác sĩ Lê Quang Tuấn phấn khởi.
Sau thời gian điều trị, hiện sức khoẻ của anh M được bình phục hoàn toàn và sẽ xuất viện vào ngày mai (31/10).
Chị Kiều mừng rỡ: “Sau khi được sự can thiệp của đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện thì em tôi đã tỉnh lại sớm hơn dự định. Dù tinh thần có hơi hoảng loạn nhưng em vẫn nhớ toàn bộ mọi việc, ban đầu đi lại còn loạng choạng nhưng giờ thì đi đứng bình thường rồi. Gia đình rất mừng và cảm ơn rất nhiều đội ngũ y bác sỹ đã can thiệp kịp thời, giành lại mạng sống cho em tôi”.
Theo Bác sĩ Lê Quang Tuấn thông tin, tình hình bệnh tim mạch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có chiều hướng tăng. Mỗi năm ghi nhận khoảng 300-400 ca bị nhồi máu cơ tim cấp, có rất nhiều ca bị bệnh động mạch vành… Từ năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được trang bị hệ thống máy DSA hiện đại, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn. Đây là hệ thống máy được đánh giá là hiện đại và tiên tiến nhất trong xử lý các bệnh về động mạch vành hiện nay.
Ngoài ra, Khoa Tim mạch còn được trang bị thêm hệ thống máy hỗ trợ cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý về mạch vành chính xác hơn, như hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS), máy siêu âm tim và các phương tiện để giúp tim mạch sau khi điều trị những ca bệnh nặng cần được hồi sức: hệ thống bơm bóng đối xung vào động mạch, máy tạo nhịp tim tạm thời.
“Nhờ sự đầu tư và trang bị máy móc hiện đại nên có nhiều ca bệnh lý nặng được can thiệp kịp thời và qua cơn nguy kịch”, Bác sỹ Tuấn cho biết.
Sau hơn 3 năm triển khai kỹ thuật, đến nay Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã thực hiện được trên 1.600 ca can thiệp động mạch vành, thông tim, chẩn đoán, siêu âm trong lòng mạch, trong đó có hơn 1.000 ca cấp cứu nặng đòi hỏi chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân. Những trường hợp nặng này, nếu không có máy móc can thiệp sớm thì dù bệnh nhân có được cứu sống cũng để lại những di chứng nặng nề tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp nhưng triệu chứng không rõ ràng nên người thân và chính bản thân bệnh nhân không nhận ra, nên khi vào tới bệnh viện đã tử vong. “Bên cạnh việc trang bị máy móc cũng như đội ngũ ngành y nắm được những kỹ thuật tiên tiến thì cũng đòi hỏi người dân cần nâng cao hơn nữa hiểu biết về căn bệnh nguy hiểm này để nhập viện kịp thời, điều trị hiệu quả”, Bác sĩ Tuấn chia sẻ./.
Kim Cương