Những năm gần đây, với sự phát triển chung của đất nước, các điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau dần được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Cùng với sự phát triển đó, những biểu hiện về biến đổi văn hoá trong xã hội ngày càng bộc lộ rõ nét, trong đó có những biểu hiện về biến đổi văn hoá gia đình.
Những năm gần đây, với sự phát triển chung của đất nước, các điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau dần được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Cùng với sự phát triển đó, những biểu hiện về biến đổi văn hoá trong xã hội ngày càng bộc lộ rõ nét, trong đó có những biểu hiện về biến đổi văn hoá gia đình.
Văn hoá gia đình được hiểu là những giá trị, chuẩn mực trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với môi trường xã hội bên ngoài. Dựa vào quy mô, cấu trúc của gia đình hiện nay có 2 hình thức: gia đình lớn bao gồm các gia đình có từ 3 thế hệ trở lên, gia đình nhỏ có 2 thế hệ. Mối quan hệ, ứng xử giữa các thế hệ trong gia đình hiện nay đã có những biến đổi nhất định so với gia đình truyền thống trước đây, đặc biệt là trong những gia đình lớn, có nhiều thế hệ.
Nghi thức lễ cưới hiện nay được đơn giả hoá. |
Theo quan niệm truyền thống, những gia đình “gia phong, lễ giáo” là gia đình có phong tục tập quán, nền nếp giáo dục tốt đẹp, cung cách ứng xử, đi đứng, ăn nói có chuẩn mực, có tôn ti trật tự, vợ chồng hoà thuận, con cháu hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà cha mẹ, thờ cúng tổ tiên… đây là những giá trị tốt đẹp đã được duy trì.
Tuy nhiên, cũng có nhiều giá trị đã thay đổi, tiêu biểu như quan niệm người đàn ông là trụ cột trong gia đình và có quyền quyết định mọi việc ngày nay không hoàn toàn đúng, trong thực tế đã có nhiều gia đình do người phụ nữ làm trụ cột, chi phối về kinh tế và tham gia giải quyết những việc quan trọng của gia đình, dòng họ. Vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng đã có những thay đổi lớn, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” không còn phù hợp và từng bước được đẩy lùi, người phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong nhiều công việc gia đình, trong lao động sản xuất, nuôi nấng và dạy dỗ con cái.
Ðối với việc hôn nhân, quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” từ lâu đã trở thành cách thức ứng xử trong việc cưới vợ, gả chồng và tồn tại suốt nhiều thế hệ, quyền định đoạt hôn nhân là do người lớn quyết định và con cái phải nghe theo. Hôn nhân ngày trước được xây dựng trên cơ sở “môn đăng hộ đối”, tức là hai bên gia đình phải có sự tương đồng về địa vị xã hội hoặc điều kiện kinh tế. Ngày nay, trong nhiều gia đình, nhất là đối với các gia đình hiện đại, con cái được tự do yêu đương, tự do lựa chọn người bạn đời lý tưởng của mình để tiến tới hôn nhân, quan niệm này thậm chí bị đảo ngược: “con đặt đâu cha mẹ ngồi đó!”.
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất trong biến đổi văn hoá gia đình là lễ cưới theo phong tục cổ truyền và lễ cưới hiện nay. Theo phong tục cổ truyền, đám cưới ngày xưa được tổ chức gồm 6 lễ: lễ nạp thái (mang trà rượu sang nhà gái để ngõ lời), lễ vấn danh (hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của cô gái), lễ nạp cát (báo tin tốt đẹp về tuổi tác, cung mạng), lễ nạp tệ (trao sính lễ, tiền cưới cho nhà gái), lễ thỉnh kỳ (xin chọn ngày giờ để rước dâu), lễ thân nghinh (mang sính lễ đến nhà gái để rước dâu). Lễ vật của nhà trai cho cô dâu thường có bông tai, dây chuyền, nhẫn cưới, kiềng tay, xuyến… bằng vàng, ngoài ra còn có heo sống (heo đứng cũi) và các lễ vật khác như trầu, cau, trà, rượu, bánh, trái… theo số lượng do nhà gái yêu cầu.
Lễ cưới hiện nay đã được giản lược chỉ còn 3 lễ: lễ chạm ngõ (gia đình nhà trai đến làm quen và thăm dò ý kiến nhà gái), lễ hỏi (mang lễ vật đến hỏi cưới), lễ cưới (đám cưới và rước dâu).
Thủ tục và nghi thức trong lễ cưới hiện nay cũng được đơn giản hoá, chỉ giữ lại những nghi thức chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho cô dâu và chú rể thuận lợi nhất trong tổ chức hôn nhân và tiếp đãi thân tộc, bạn bè. Lễ vật hỏi cưới và rước dâu cũng được chuẩn bị hợp lý theo điều kiện kinh tế của 2 gia đình, không còn hiện tượng “thách cưới” như xưa.
Nhìn chung, nhiều hiện tượng biến đổi văn hoá trong gia đình hiện nay theo hướng tích cực, giảm dần những quan niệm lỗi thời, tủ tục lạc hậu, không còn phù hợp với trình độ phát triển chung của xã hội. Những biến đổi này đã góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, còn có không ít những biến đổi tiêu cực, làm mất dần những giá trị văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, đó là sự cách biệt trong suy nghĩ, nhận thức, quan niệm sống giữa các thế hệ trong gia đình. Người già có xu hướng giữ gìn các giá trị truyền thống, trong khi nhiều người trẻ tuổi thích học theo cái mới, muốn phủ nhận những giá trị truyền thống. Nhiều phong tục tốt đẹp trong những ngày kỷ niệm, ngày lễ, ngày Tết cổ truyền của dân tộc cũng bị xem nhẹ.
Trong thực tế, đã có nhiều đám cưới, đám gả, đám thôi nôi, đầy tháng, đám giỗ, sinh nhật… tại nhiều gia đình, đặc biệt là các vùng thành thị, được tổ chức theo hướng “thương mại hoá”, gia chủ đặt mâm bàn ở nhà hàng để mời khách khứa đến ăn uống và nhận phong bì, ít quan tâm đến việc thực hiện các nghi lễ, nghi thức truyền thống. Có gia đình còn tổ chức thuê dàn nhạc hát hò thâu đêm, gây ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng. Xu hướng này cũng lan dần đến nhiều vùng nông thôn, nhất là những địa phương bắt đầu có dấu hiệu đô thị hoá. Nguyên nhân của hiện tượng này là lối sống thực dụng, đề cao lợi ích cá nhân, chuộng ngoại, thích hưởng thụ…
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Ðảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề gia đình. Từ năm 1991, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Ðảng ta đã xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”.
Ðến năm 2011, trong Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tiếp tục khẳng định: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”, cùng với nhiều chủ trương, chính sách khác về công tác gia đình trong những năm gần đây đã cho thấy tầm quan trọng của công tác gia đình trong sự phát triển bền vững đất nước.
Ðể phát triển văn hoá gia đình theo hướng văn minh, tiến bộ, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân về các giá trị, chuẩn mực truyền thống trong gia đình, dòng họ. Tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, qua đó góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.
Bài và ảnh: Huỳnh Thăng