ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 9-1-25 03:16:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Cam kết đồng hành cùng Cà Mau ứng phó biến đổi khí hậu”

Báo Cà Mau (CMO) Tiếp tục chương trình làm việc tại tỉnh Cà Mau, sáng nay 11/5, đồng chí Lê Minh Hoan, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trưởng Đoàn công tác Chính phủ, có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Tham gia Đoàn công tác Chính phủ có đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãnh đạo tỉnh tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tập trung vào những vấn đề trọng tâm liên quan trên lĩnh vực sản xuất, trong đó nhấn mạnh đến tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững tại địa phương.

Xuất khẩu thuỷ sản gặp khó

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, GRDP Quý I tăng 9,05% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tăng cao nhất thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng với 15,43%.

“Tuy tăng trưởng cao, nhưng quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, phần lớn dựa vào tăng trưởng tại Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm, mà ở đây là sản lượng điện khí được huy động trong những tháng mùa khô, khả năng thời gian tới sẽ giảm khi mùa mưa sắp bắt đầu”, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt phân tích.

Nói về sản xuất đang gặp khó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, tình trạng lạm phát đã ảnh hưởng sức mua của nhiều thị trường lớn, đơn hàng tại các thị trường truyền thống giảm sút mạnh làm cho hàng thuỷ sản tồn kho nhiều. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu lũy kế đến ngày 30/4 đạt 380 triệu USD, bằng 29% kế hoạch, giảm 23,5% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thủy sản 337 triệu USD, bằng 28% kế hoạch, giảm 13%; xuất khẩu phân bón 43 triệu USD, bằng 45% kế hoạch, giảm 61%.

Cua Cà Mau được đánh giá là sản phẩm đặc sản, có chất lượng vượt trội và được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá rất cao; cua cũng là sản phẩm chủ lực, góp phần thu nhập chủ yếu cho người nuôi thuỷ sản (chỉ đứng sau con tôm). Tuy nhiên, sản phẩm Cua Cà Mau chủ yếu xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc; vì xuất tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro, bị đối tác thao túng giá cả, khó tổ chức sản xuất theo hướng bền vững.

“Cua Cà Mau đang bị thao túng. Giá bán ra cao hay thấp là do các đầu nậu ở biên giới, khi sang thị trường bên ngoài được đóng gói, bán lại với giá cao gấp 5-7 lần so với mức giá mua ban đầu”, ông Lê Văn Sử thông tin.

Kinh tế thủy sản Cà Mau đang gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu tôm hiện nay đang bị ảnh hưởng trước biến động của tình hình thế giới.

Cần khẩn cấp bảo vệ bờ biển

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, Dự án Xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm tỉnh Cà Mau, vay vốn ODA của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), phải chờ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vì điều chỉnh chủ trương đầu tư. Văn phòng AFD thông tin, nếu quá thời hạn ngày 31/12/2023 không ký kết được Hiệp định thì AFD sẽ không tiếp tục duy trì tài trợ khoản vay cho dự án (khoản vay ODA 20,06 triệu Euro và viện trợ không hoàn lại 3,76 triệu Euro).

“Hiệp định khởi động từ năm 2012, nếu để mất là thật đáng tiếc”, ông Lê Văn Sử chia sẻ, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chấp thuận cho UBND tỉnh thực hiện quy trình trình HĐND phê duyệt Báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án song song với thời gian trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, nhằm tranh thủ thời gian thực hiện các bước tiếp theo để kịp tiến độ thực hiện ký Hiệp định với AFD.

Nói về sạt lở bờ biển, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử dẫn chứng: Do nước biển dâng và thiếu hụt lượng phù sa bồi đắp, vì lẽ đó cần khẩn cấp xây dựng hệ thống kè bảo vệ bờ biển, vì nếu làm chậm thì chúng ta mất rừng, mất đất càng lớn hơn mà không còn khả năng bù đắp.

“Cá nhân tôi cũng như tỉnh rất xót xa lắm, lần nào Bộ trưởng vào cũng báo cáo nội dung này, mời Bộ trưởng đi thực tế khảo sát thực trạng này, bởi nguồn lực địa phương không đảm bảo, mà nguồn vốn trên phân bổ phân kỳ, hụt hơi chạy theo khắc phục sạt lở khi sự việc xảy ra, chưa mang tính chủ động để ngăn chặn từ đầu”, ông Lê Văn Sử chia sẻ.

Tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày càng nặng nề lên vùng ven biển của tỉnh, tác động không nhỏ đến định hướng phát triển của địa phương.

Theo thống kê, sạt lở làm mất rừng ven biển với diện tích khoảng 5.250 ha; sạt lở bờ sông làm hư hỏng gần 26 km lộ giao thông và 237 căn nhà; tổng thiệt hại ước khoảng 1.100 tỷ đồng.

Tốc độ sạt lở diễn ra quá nhanh và phức tạp, hiện tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100 km, sạt lở bờ sông khoảng 365 km, với các mức độ khác nhau.

Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng Đề án đầu tư kè phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau và hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách phòng, chống thiên tai của Trung ương để thực hiện, mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các công trình kè những đoạn bờ biển, bờ sông bị sạt lở nguy hiểm.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải trăn trở trước những khó khăn tỉnh đang phải đối mặt.

Điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Trên lĩnh vực tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất và khẩn trương hướng dẫn thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

“Dòng vốn lưu chuyển chậm làm cho nhu cầu hạn mức tín dụng tăng. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhưng còn nhiều nội dung hướng dẫn chậm, chưa rõ, khó lập hồ sơ, thủ tục nên chưa có nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng”, ông Huỳnh Quốc Việt chỉ rõ.

Cũng tại buổi làm việc, Cà Mau kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; chỉ đạo tăng cường kiểm soát giá vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất thủy sản để góp phần giảm giá thành phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Kiến nghị Bộ Công thương phối hợp với địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đa dạng hơn các hình thức xúc tiến thương mại để tìm kiếm thêm các thị trường mới…

Trọng điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt kiến nghị sớm nâng cấp, mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1 vì hiện nay đường nhỏ, hẹp, thấp ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong thu hút đầu tư; sớm có chủ trương xây dựng tuyến cao tốc đến vùng ven biển huyện Ngọc Hiển (Đất Mũi), qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế du kịch, kêu gọi và khai thác Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai.

Cà Mau cũng mong muốn nâng cấp Sân bay Cà Mau đủ lớn nhằm đáp ứng khai thác dòng tàu bay cỡ lớn (4C) kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm triển khai các công trình trọng điểm trên lĩnh vực giao thông vận tải.

Liên quan vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải cho rằng hạ tầng giao thông là điểm nghẽn, nút thắt trong quy hoạch và phát triển của tỉnh, nhất là kinh tế biển - một thế mạnh của tỉnh còn rất nhiều tiềm năng cần khai thác.

“Là địa phương còn nghèo, ngân sách nhỏ, phải hưởng trợ cấp từ Trung ương; nút thắt vừa nhiều và tồn lại khá lâu. Phải thấy được những khó khăn của địa phương, có giải pháp tháo gỡ mang tính đột phá”, Bí thư Tỉnh ủy trăn trở.

Đi vào cụ thể của vấn đề, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ việc thiếu đồng bộ, hiệu quả không cao từ việc xây dựng hạ tầng cảng cá trong phát triển kinh tế biển; cần có cơ chế về chuyển đổi đất nông nghiệp, lâm nghiệp để tạo điều kiện cho tỉnh phát triển... “Hãy thay đổi cách nhìn về Cà Mau để làm động lực phát triển. Không nhìn Cà Mau là điểm cuối, về sau, mà là điểm đầu, mở ra xu thế hội nhập, đó là cảng biển, đó là sân bay, cần tháo gỡ mang tầm nhìn chiến lược để phát triển nhanh, bền vững không riêng gì của địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ.

Đồng bằng sông Cửu Long, bán đảo Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, trong đó Cà Mau là vùng trọng điểm ảnh hưởng. Thấu hiểu khó khăn này của tỉnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng Cà Mau đang phải gồng gánh hai tay, vừa lo bờ Đông lại trăn trở đê Tây.

Thống nhất cần có tầm nhìn chiến lược, đa dạng nguồn lực, phân kỳ đầu tư hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cam kết đồng hành cùng tỉnh Cà Mau trong ứng phó biến đổi khí hậu. “Phải làm ngay vì thiệt hại đang diễn ra hàng giờ, hàng ngày, thấy thật xót lòng”, Bộ trưởng chia sẻ.

Trong quy hoạch, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng không nên bó buộc vào những con số, mà phải mở ra không gian mở, trong đó quan trọng là chuyển đổi đất. “Rừng không chỉ là cây, cần cởi mở các hình thái để phát triển theo hướng có lợi cho người dân”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đồng thời chỉ đạo các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới…

 

Trần Nguyên - Chí Diện

 

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 06/01/2025 kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Phiên họp thứ nhất ngày 14 tháng 12 năm 2024.

Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1717/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình).

Chúc tết các đơn vị trên đảo Hòn Khoai

Nằm trong chuỗi hoạt động thăm, chúc tết và tặng quà cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển Tây Nam, sáng 7/1, đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam, doanh nghiệp và cơ quan báo chí đến thăm, động viên, chúc tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Hòn Khoai.

Năm 2024, vốn FDI giải ngân cao kỷ lục

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT vừa cho biết, trong cả năm 2024, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

Phó Tổng Thư ký LHQ: Việt Nam đang trong quá trình trở thành một cường quốc

Sáng 6/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Amandeep Singh Gill, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Công nghệ kỹ thuật số và Công nghệ mới nổi, đồng thời là Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Công nghệ đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 5/1/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khai thác hiệu quả những thoả thuận đã ký kết với các quốc gia

Nắm chắc tình hình, chủ động đề xuất chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả cả ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, đó là một trong những mong muốn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, diễn ra vào sáng 6/1. Tham dự tại điểm cầu Cà Mau có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử.

Thăm tặng quà cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân xã đảo Thổ Châu

Tiếp tục chuyến công tác, ngày 6/1, đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam, ngày 6/1, các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí đã đến thăm, động viên, chúc tết cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân tại đảo Thổ Chu, thuộc xã đảo Thổ Châu, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Nâng cao hiệu quả của trung tâm học tập cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1716/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030.

Thủ tướng: Việt Nam đủ 5 điều kiện để xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Sáng 4/1, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết 259 của Chính phủ ngày 31/12/2024 ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM.