Xác định chuyển đổi số (CÐS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xã Ðông Hưng (huyện Cái Nước) đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, triển khai ứng dụng công nghệ số toàn diện trên nhiều lĩnh vực, với mong muốn không chỉ người dân hiểu mà còn sử dụng hiệu quả trên nền tảng số, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).
Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai và cụ thể bằng cách quét mã QR hoặc xem trực tiếp trên giấy, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin.
Ông Tiêu Quang Khái, Phó chủ tịch UBND xã, thông tin: “Ðịa phương bắt đầu đẩy mạnh CÐS từ đầu năm. Ðể các chiến dịch đồng bộ và rộng khắp trong thời gian ngắn, tại 7 ấp đã tiến hành thành lập 7 tổ công nghệ số cộng đồng, mỗi tổ từ 5-7 thành viên, thường xuyên ra quân hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký thực hiện DVCTT tại nhà, cài đặt các ứng dụng tiện ích, phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ngoài tư vấn trực tiếp còn hướng dẫn từ xa qua điện thoại, nhóm Zalo. Hiện tại, đối với việc xếp hạng về tổng thể DVCTT, xã Ðông Hưng đứng ở vị trí thứ 6/11 đơn vị cấp xã của huyện Cái Nước. Ðịa phương cũng đặt mục tiêu phấn đấu trong tháng tới sẽ xếp ở vị trí thứ 3”.
Vừa nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ ấp Trọng Ban trong nhiệm kỳ này, ông Võ Bình Yên dần dà tiếp cận với nhiều ứng dụng công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, để thuận tiện hơn trong việc chi trả, giao dịch hằng ngày.
Dù lớn tuổi, nhưng để tích cực hưởng ứng CĐS, ông Võ Bình Yên (phải), Bí thư Chi bộ ấp Trọng Ban, tiếp cận các ứng dụng, phần mềm dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Yên chia sẻ: “Sau khi tiếp cận và trải nghiệm ứng dụng, tôi thấy rất tiện lợi, lại không tốn phí. Nếu là trước đây, khi muốn chuyển khoản hay rút tiền mặt phải chạy xe mấy chục cây số lên huyện Cái Nước, nhưng giờ thì cả những điểm nhỏ vẫn có thể giao dịch được”.
Là Trưởng ấp, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng ấp Giá Ngự, anh Lê Vũ Em chia sẻ: “Hoạt động CÐS tại xã được triển khai toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng NTM. Tổ công nghệ số hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng DVCTT để giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, cũng như các giao dịch không dùng tiền mặt như: thanh toán tiền điện, nước, Internet, mua hàng qua mạng...”.
Ðể thực hiện toàn diện các hoạt động số hoá, tạo tiền đề để chính quyền cùng người dân dễ dàng tiếp cận các hoạt động thì sự hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp là không thể thiếu. Từ năm 2022 đến nay, xã Ðông Hưng kết hợp với Viettel Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động nhằm “phủ sóng” CÐS, từ nguồn lực hỗ trợ xây dựng 8 cổng chào tuyên truyền CÐS, lắp 20 pa nô, liên kết 10 điểm hỗ trợ nạp, rút tiền, chuyển khoản cho tiểu thương và cán bộ ấp.
“Trong năm nay, Viettel Cà Mau cùng các tổ công nghệ số ra quân hướng dẫn cài đặt các ứng dụng cần thiết, cấp hơn 1.400 tài khoản/2.542 hộ. Tuyên truyền và đăng ký tài khoản miễn phí cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội tại xã, cấp trên 500/850 tài khoản. Chế độ của cán bộ ấp, xã đều thực hiện chi trả qua hình thức chuyển khoản”, ông Khái cho biết thêm.
Là điểm giao dịch trực tuyến không dùng tiền mặt, Cửa hàng tạp hoá Tú An của chị Nguyễn Tú An (ấp Giá Ngự) triển khai nhiều dịch vụ, từ thu hộ đến chuyển tiền, rút tiền mặt qua ứng dụng Viettel Money để phục vụ người dân giao dịch.
Cửa hàng tạp hoá của chị An kinh doanh hiệu quả hơn khi trở thành điểm giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt tại ấp Giá Ngự.
Chị An chia sẻ: “Người dân địa phương hay khách từ nơi khác đến mua hàng đều thanh toán, quét mã QR dễ dàng và nhanh chóng, bình quân mỗi ngày khoảng 20 lượt giao dịch rút tiền, thanh toán qua tài khoản. Tiện nhất là khi cần tiền mặt thì bà con đến rút tại chỗ, không cần di chuyển xa xôi. Bản thân mình kinh doanh cũng đắt khách hơn vì đa dạng cách thức thanh toán. Ðối với khách cũ, chỉ cần có số tài khoản chuyển tiền khi mua hàng hoá bất cứ lúc nào, không sợ tiền giả, hoặc thối nhầm tiền”./.
Yến Nhi