(CMO) Một vấn đề lớn được nhiều lượt cử tri đặt ra với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cà Mau là phải kiềm giá các mặt hàng phân bón, xăng dầu, thuốc trừ sâu và nâng giá các mặt hàng nông sản của người dân. Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Ngành đã kết hợp với Sở Công thương và các huyện, nhưng vấn đề giá nông sản vẫn chưa được kiểm soát”.
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ Hai của Quốc hội, ngày 23/11, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục có cuộc tiếp xúc trực tuyến với cử tri của 9 xã thuộc 3 huyện: Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời.
Ông Nguyễn Quốc Hận, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, điều hành buổi tiếp xúc cử tri tại điểm cầu tỉnh.
Đại biểu dự hội nghị tiếp xúc cử tri tại điểm cầu tỉnh. |
Cử tri Nguyễn Kiều Diễm (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) phản ánh việc nước ngập thường xuyên vào mùa mưa, kiến nghị quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến lộ, đường giao thông của đô thị loại 5 và xã hải đảo theo các chương trình của tỉnh, quốc gia; giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng cao, cần có cơ chế kiểm soát; hỗ trợ người trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Văn Kỉnh (xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) cho rằng cần cấp thiết có đề án nâng cấp hạ tầng vùng ngọt hóa của huyện, tránh tình trạng ngập úng vào mùa mưa.
Giải trình trước cử tri, ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc cử tri các địa phương: xã Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời và xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước phản ánh tình trạng ngập úng, thiếu máy bơm, lãng phí cống đập khu vực sản xuất lúa tôm là các vấn đề chính đáng.
Cử tri băn khoăn vấn đề vùng ngọt huyện Trần Văn Thời hễ mưa là lộ giao thông và vườn, rẫy hoa màu nhiều nơi bị ngập úng, gây nhiều thiệt hại. |
Vấn đề ngập úng vùng ngọt hóa Trần Văn Thời, ông Thức cho biết tỉnh Cà Mau chỉ duy nhất vùng chuyên lúa thuộc xã ngọt hóa huyện Trần Văn Thời chịu tác động việc mưa thì ngập úng, mùa khô thì thiếu nước, sạt lở. Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tỉnh thống nhất đề xuất bộ, ngành Trung ương và Chính phủ giữ lại hệ sinh thái ngọt trên 32.000 ha ở huyện này. Theo đó, ngành tranh thủ vốn của Trung ương, tỉnh đã xây dựng hoàn thiện 10 trạm bơm, nhưng đến nay chỉ đáp ứng 40% nhu cầu bơm tháo nước. Cà Mau cần 1.000 tỷ đồng để đầu tư thêm các trạm, cống để chủ động điều tiết nước cho vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời và nhiều trạm tiểu vùng bơm tát phục vụ sản xuất.
Về vấn đề giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi đầu ra nông sản của người dân thì giảm, ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con, ông Thức cho biết, dù ngành nông nghiệp và ngành công thương đã có liên kết xem xét, nhưng chưa hiệu quả do đây là tình hình chung của cả nước.
Ông Thức cũng thông tin, mô hình lúa tôm là mô hình bền vững và hiệu quả, Cà Mau đang có lợi thế. Nơi nào có điều kiện thì khuyến khích sản xuất; nếu cần thiết có công trình để phục vụ mang tính khả thi thì huyện cần có quy hoạch và đề xuất đầu tư.
Chi phí sản xuất ngày một tăng cao nhưng giá nông sản vẫn ở mức thấp. Ngành chức năng tỉnh thừa nhận, dù đã có cố gắng giải quyết, song vẫn chưa thể kiểm soát được giá nông sản. |
Ngoài ra, tại buổi tiếp xúc, cử tri còn quan tâm đề cập đến các nhóm vấn đề: giao thông vận tải; lao động - thương binh và xã hội; tham nhũng, lãng phí,... Theo đó, đại diện các sở, ngành, đơn vị có liên quan cũng đã giải trình cụ thể các ý kiến của cử tri đặt ra./.
Phong Phú