Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trong buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau vào ngày 7/9 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tham dự buổi làm việc có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải.
(CMO-HNH) Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trong buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau vào ngày 7/9 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tham dự buổi làm việc có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình; Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử báo cáo với đoàn công tác về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 8 tháng năm 2016; tình hình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015.
Theo đó, bình quân mỗi xã đạt 13,3 tiêu chí, tăng gấp 3 lần so với năm 2010, có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2020 có thêm 25 xã đạt chuẩn, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng trong năm 2016, phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng nâng cấp; huy động nguồn lực đầu tư ngày càng nhiều hơn, nhân dân đóng góp với tinh thần tự nguyện, đặc biệt không nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình nông thôn mới trong 5 năm qua (2010-2015) trên 24.300 tỷ đồng huy động từ nhiều nguồn, trong đó sức đóng góp trong Nhân dân trên 13.800 tỷ đồng, chiếm 57% tổng vốn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau. |
Tuy nhiên, tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn như: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn còn thấp kém, suất đầu tư cao; hệ thống thuỷ lợi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhất là khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng dẫn đến kinh tế nông nghiệp đã qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Việc huy động nguồn lực đầu tư của xã hội còn hạn chế, nhất là nguồn đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp chưa nhiều…
Về tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện tỉnh đã phê duyệt và triển khai đề án đến các huyện; xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch triển khai 6 ngành hàng chủ lực gồm: lúa chất lượng cao, tôm sinh thái, cua biển, cá bổi, chuối xiêm và keo lai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nêu 6 đề xuất, kiến nghị, trong đó tỉnh đặc biệt mong muốn Quốc hội quan tâm, đôn đốc các bộ, ngành trung ương xem xét phân bổ thêm nguồn vốn để triển khai đầu tư hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn; giải quyết nhu cầu vốn bức xúc để đầu tư xây dựng các tuyến đường trục chính Đông - Tây để kết nối lưu thông hàng hoá với các tỉnh trong khu vực; sớm ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới riêng cho từng vùng, miền tạo điều kiện để tỉnh chủ động lồng ghép các nguồn vốn vào xây dựng nông thôn mới.
Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nhiều ý kiến đóng góp, thông tin về định hướng xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới cũng như tiếp thu những kiến nghị bức xúc của địa phương, nhất là những vấn đề mang tính cấp bách như tác động biến đổi khí hậu, hạ tầng liên kết vùng…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những nỗ lực và những kết quả trong xây dựng nông thôn mới mà Đảng bộ và Nhân dân Cà Mau đã đạt được. Đồng thời, lưu ý địa phương cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu trong điều kiện sản xuất của người dân hiện nay, từ đó phải có những giải pháp phù hợp để hạn chế rủi ro trong sản xuất; xây dựng nông thôn mới phải gắn với đề án tái cơ cấu nông nghiệp để sản xuất được bền vững, tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đoàn sẽ có đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sẽ điều chỉnh lại bộ tiêu chí cho phù hợp; ưu tiên nguồn vốn để kết nối chuỗi giao thông đường bộ với các tỉnh (đặc biệt quan tâm đến trục chính Đông - Tây, xây dựng đê biển Đông - Tây và những dự án liên quan đến tình hình chống xâm nhập mặn và giữ ngọt trên địa bàn). /.