(CMO) Ngày 14/1, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình chủ trì Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 04-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 3 khoá X, sơ kết Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khoá XI và thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khoá XII.
Về kết quả thực hiện các chủ trương, giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 3 và chương trình số 09-Ctr/TU của Tỉnh ủy, những năm qua, các cấp, các ngành đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tăng cường chỉ đạo các giải pháp phòng ngừa. Đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng.
Ở góc độ thanh tra, ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau nhận định, trong quản lý ngân sách ở địa phương đã tốt hơn, chi theo nguồn hiệu quả hơn, thực hiện quy trình đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện việc thiết kế thừa, các đơn vị tư vấn thiết kế nhiều hơn khối lượng, gây lãng phí, do đó cần quản lý chặt hơn vấn đề này. Ông Huỳnh Quốc Hoàng đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng vững mạnh, đảng viên phải đi trước, nâng cao vai trò trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, đặc biệt cần có chế tài đối với thủ trưởng đơn vị nếu để xảy ra tham nhũng.
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình chủ trì, chỉ đạo hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng, khi có Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cà Mau rất mừng vì địa phương có bờ biển dài 254 km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Trên biển có 3 cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc, có vị trí chiến lược rất quan trọng. Mừng nhưng cũng nhiều lo lắng vì khi vào thực tế đã vướng nhiều bất cập, Cà Mau vẫn cứ loay hoay xoay chuyển. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh phải xác định rõ phạm vi, ranh giới - phát triển kinh tế biển, làm gì, ngành nghề gì trên biển, vùng ven biển, kinh tế biển gắn với đất liền… Từ mục tiêu, nhiệm vụ đến giải pháp đề ra phải phù hợp thực tiễn, phải cân nhắc, cụ thể và phải thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đồng thời, đề nghị huyện Ngọc Hiển tích cực nghiên cứu những ngành nghề có thể chuyển đổi cho bà con, đặc biệt là những hộ đang mưu sinh bằng những phương tiện nhỏ chưa đảm bảo an toàn, cũng như những hộ khai thác ven bờ dẫn đến cạn kiệt tài nguyên biển. Huyện cũng cần có quy hoạch lại cụm dân cư, gắn với đầu tư các công trình kè chắn sóng đảm bảo an toàn cho người dân sống ven biển.
Hội nghị có sự tham gia ý kiến của nhiều đại biểu
Bàn về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề xuất nên có đánh giá cụ thể, phụ lục số liệu kèm theo để làm căn cứ đề ra các chỉ tiêu cho Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Cà Mau nên chọn những khâu phát triển thế mạnh và đột phá, nên quy hoạch lại cụm kinh tế ven biển, đảo gắn với cụm dân cư, từ đó mời gọi đầu tư để phát triển toàn diện, bền vững. Theo ông Lê Văn Sử, phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch biển đảo là thế mạnh Cà Mau cần tập trung tạo đột phá trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình đề nghị các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, quán triệt, thực hiện có hiệu quả chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định trong Nghị quyết Trung ương 3 và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác này. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, ông đề nghị tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư phát triển nguồn điện tái tạo, đây là điều kiện ngăn sóng giữ phù sa, hạn chế tình trạng sạt lở ven biển. Đặc biệt, cần nghiên cứu để tạo đột phá trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển./.
Băng Thanh