(CMO) Trong 221 đơn thư khiếu nại, tố cáo xếp vào vụ việc phức tạp của 41 tỉnh thành trên cả nước, thì Cà Mau có 3 vụ việc. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải giải quyết dứt điểm trong năm 2019.
Sáng 25/7, đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương do ông Hà Ngọc Anh, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Cái Nước về việc kiểm tra thực hiện “Năm dân vận chính quyền” năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019.
Ông Hà Ngọc Anh nhận định, thời gian qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã thực hiện khá tốt Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Năm dân vận chính quyền”. Theo đó, nhiều tỉnh, thành có đơn thư kiếu kiện giảm.
Ông Ngô Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng khoa học Ban Dân vận Trung ương cho rằng cần tìm ra phương thức mới để vận động Nhân dân trong tình hình mới.
Năm 2019 là năm tiếp tục thực hiện “Năm dân vận chính quyền” với 6 nội dung quan trọng gồm: nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; cải cách thủ tục hành chính; nâng cao đạo đức cán bộ; làm tốt công tác tiếp dân; mặt trận và các tổ chức đoàn thể đóng vai trò nòng cốt.
Thực hiện nhiệm vụ này, năm 2018, huyện Cái Nước nhận 125 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, tăng 24 đơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 50 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện và đã tiến hành giải quyết 39 đơn.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019, huyện đã tiếp nhận 5 đơn khiếu nại, tố cáo và đã giải quyết theo đúng quy định. Qua đó, đã đề nghị kiểm điểm 1 tập thể và 1 cá nhân sai phạm. Theo đánh giá của huyện, công tác dự báo, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, dư luận trong Nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời, công tác tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tiến hành chưa thường xuyên.
Ông Hà Ngọc Anh nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Cái Nước nói riêng cần tập trung vào 6 nội dung quan trọng mà Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra. Trong đó, trọng tâm là nội dung thứ 5 - làm tốt công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Hà Ngọc Anh cho biết, trong 41 tỉnh thành trên cả nước có 221 đơn thư khiếu nại, tố cáo xếp vào vụ việc phức tạp, thì Cà Mau có 3 vụ việc. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các đơn thư khiếu nại, tố cáo trên phải được giải quyết dứt điểm trong năm 2019.
Sáng cùng ngày, ông Ngô Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng khoa học Ban Dân vận Trung ương làm việc với Sở Tư pháp Cà Mau về phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Ông Trần Hoàng Lộc, Phó giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau cho hay, mỗi năm đơn vị được cấp kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng để phổ biến các chương trình, đề án giáo dục pháp luật. Ngoài ra, công tác trợ giúp pháp lý bố trí 2-3 trợ giúp viên ở mỗi các huyện kịp thời hỗ trợ người dân, góp phần giải quyết khó khăn vướng mắc khi thực hiện các thủ tục pháp lý.
Mặc dù kênh thông tin tuyên truyền pháp luật của tỉnh bao phủ nhưng hiệu quả rất khó đánh giá. Bởi không thể nhìn trên số lượt, số cuộc tuyên truyền giáo dục pháp luật mà quan trọng ý thức chấp hành luật luật của người dân. Một bộ phận ý thức người dân vẫn chưa cao, tính riêng lĩnh vực giao thông 6 tháng đầu năm xử phạt trên 18 tỷ đồng, nhiều hành vi tệ nạn xã hội vẫn còn xảy ra. Do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, không thể quản lý, xử phạt tất cả hành vi xảy ra, nhất là lĩnh vực đất đai rất phức tạp và khó xử lý.
Ông Ngô Anh Tuấn đề nghị, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay đã khác hẳn trước đây, có rất nhiều yếu tố tác động. Do vậy, cần tìm ra phương thức mới để vận động Nhân dân. Ngoài ra, dân vận chính quyền là một chức năng rất quan trọng để yên dân, người dân phải am hiểu pháp luật mới chấp hành tốt được pháp luật. Cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân, giải quyết tốt khiếu nại tố cáo. Đối thoại với dân để dân thấu hiểu các chủ trương chính sách, pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tốt nhất các chủ trương, chính sách một cách công khai minh bạch. Và hơn hết, phải để dân giám sát hoạt động của đơn vị để tăng niềm tin của nhân dân.
Tại buổi làm việc với Hội LHPN tỉnh Cà Mau vào chiều cùng ngày, ông Ngô Anh Tuấn ghi nhận, công tác dân vận đối với phụ nữ trong tình hình mới hiện nay khá phức tạp. Nổi cộm là các vấn đề: tình hình ly hôn, phụ nữ làm ăn xa, bạo lực gia đình, lấy chồng nước ngoài rất khó quản lý và giải quyết. Nhiều tác động tiêu cực đến tư tưởng của chị em phụ nữ, nhất là những vấn đề nóng về khiếu nại, tố cáo.
Để công tác dân vận trong tình hình mới tốt hơn, ông Ngô Anh Tuấn đề nghị Hội LHPN cần nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nhất là đối với phụ nữ vùng nông thôn. Cần thay đổi phương thức kiểm tra giám sát để nâng cao cảnh giác, tác động xấu đến đối tượng phụ nữ.
Tăng cường việc tiếp cận chính sách pháp luật đến phụ nữ, bám sát địa bàn dân cư, hướng về cơ sở để kịp thời vận động, phát hiện xử lý, nhất là vấn đề tín dụng đen. Ngoài ra, cần tăng cường lực lượng phụ nữ tham gia vào các cấp ủy Đảng, chính quyền, để bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em.
Phong Phú - Hồng Nhung