Sau khi trong nước ghi nhận ca tử vong do bạch hầu tại Nghệ An và tình hình chuyển biến bệnh đang có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, rất nhiều người dân tại Cà Mau vội vàng đi tiêm vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, ngành y tế khuyến cáo người dân cần bình tĩnh để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình đúng cách.
Tiêm chủng cho trẻ tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.
Trong những ngày qua, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tiếp nhận qua số điện thoại tổng đài nhiều cuộc gọi của người dân hỏi về việc tiêm vắc-xin ngừa bạch hầu. Do tại bệnh viện không có thực hiện mũi tiêm bạch hầu độc lập, mà chỉ tiêm mũi 6 trong 1 gồm bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hip và viêm gan B, tất cả đều phải tuân thủ theo chương trình lịch tiêm chủng mở rộng nên tỷ lệ tiêm vắc-xin bạch hầu không tăng.
Còn tại một số cơ sở tiêm chủng tư nhân, điển hình như Trung tâm VNVC Cà Mau (TP Cà Mau), trong một tuần qua đã ghi nhận lượng khách đến tiêm vắc-xin bệnh bạch hầu tăng đột biến. Cụ thể, theo ghi nhận trên toàn hệ thống tiêm chủng của VNVC cho thấy tỷ lệ tiêm vắc-xin bạch hầu tăng hơn 1.000% so với thời gian trước khi xuất hiện ca bệnh tại Nghệ An. Đối tượng đến tiêm vắc-xin đa dạng, trong đó tăng cao nhất là đối tượng trẻ em, tiền học đường, thanh thiếu niên và người lớn.
Trước nhu cầu tiêm vắc-xin phòng bệnh của người dân tăng cao, ngành y tế tỉnh khuyến cáo người dân cần lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín, an toàn, có kho lạnh và hệ thống dây chuyền lạnh đạt chuẩn để bảo quản vắc-xin đảm bảo chất lượng, giúp phát huy hiệu quả miễn dịch tốt nhất sau tiêm.
Cùng với đó, cơ sở tiêm chủng phải tuân thủ quy trình tiêm chủng an toàn, đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn, kịp thời xử lý các tai biến có thể xảy ra, như có phòng xử trí phản ứng sau tiêm cùng cơ số thuốc cấp cứu, trang thiết bị đầy đủ; đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo bài bản về kỹ năng an toàn tiêm chủng, xử trí phản ứng sau tiêm.
Tại các cơ sở tiêm chủng tư nhân như Trung tâm VNVC Cà Mau thì số người dân đến tiêm vắc-xin bạch hầu tăng đột biến. (ảnh chụp tại khu vực chờ theo dõi sau tiêm tại Trung tâm VNVC Cà Mau)
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm và chưa được thanh toán nên mầm bệnh vẫn còn lưu hành ở cộng đồng. Chính vì thế, nó có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào ở những người chưa tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ.
Bạch hầu vốn là bệnh của trẻ em nhưng theo dịch tễ, khi tỷ lệ mắc của bệnh giảm dần thì tuổi mắc bệnh gia tăng. Cụ thể, giai đoạn 1, tuổi mắc bệnh chủ yếu ở tuổi mẫu giáo sẽ chuyển sang lứa tuổi học sinh; ở giai đoạn 2, các ca bệnh bạch hầu chủ yếu xảy ra ở người lớn trên 15 tuổi. Vì vậy, có người 18 tuổi mắc bệnh và tử vong không phải là điều bất thường. Đây cũng chỉ điểm cho việc tiêm chủng bạch hầu tương đối tốt.
Tại Cà Mau và một số tỉnh, thành đã trải qua giai đoạn thiếu vắc-xin tiêm chủng nên người dân có tâm trạng lo lắng, hoang mang khi tình hình bệnh bạch hầu có nhiều chuyển biến xấu và có nguy cơ bùng dịch, từ đó họ vội vàng tìm nơi tiêm chủng để phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Suy nghĩ này khá sai và dẫn đến nhiều hệ luỵ cho sức khoẻ lẫn kinh tế.
Bác sĩ CKII Nguyễn văn Tính, phụ trách điều hành Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, khuyến cáo: "Đối với bệnh bạch hầu, khi trẻ 2 tháng tuổi, chúng ta sẽ tiêm mũi thứ nhất, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng và mũi thứ ba cách mũi thứ hai ít nhất 1 tháng và mũi thứ 4 được lặp lại khi trẻ được 18-24 tháng. Đến khi trẻ được từ 4-6 tuổi thì tiêm lại một liều 4 trong 1 là bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt. Đối với tuổi vị thành niên, tuổi học đường là từ 9- 17 tuổi cũng nên tiêm nhắc lại một liều. Đối với người lớn, cứ mỗi 10 năm sẽ lặp lại một liều. Như vậy chúng ta sẽ tạo được miễn dịch cơ bản lâu dài, chứ không đợi khi dịch bệnh bùng phát mới ồ ạt đi tiêm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vắc-xin và giá thành sẽ cao cũng ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình"./.
Lam Khánh - Chí Diện