Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính được xem là căn bệnh “hung thần” bởi khả năng đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời. Điều quan ngại là căn bệnh này đã trở nên ngày càng khá phổ biến trong cộng đồng. Do vậy, việc trang bị kiến thức về bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cho người bệnh có kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe hiệu quả.
Nguyên nhân của căn bệnh này, theo Bác sĩ Trần Hoán Toàn, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho biết: “Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, tuổi tác là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, vì tuổi tác càng cao thì hoạt động của tim cũng theo đó ngày càng kém hiệu quả hơn bởi thành tim dày lên, các động mạch cứng lại, khiến quá trình bơm máu lên tim gặp nhiều khó khăn”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, qua tổng hợp công tác điều trị cho thấy, tỷ lệ nam giới thuộc đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, động mạch vành và đột quỵ cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ mãn kinh, nguy cơ nữ giới mắc bệnh tim mạch cũng không khác gì nam giới. Sau tuổi 65 thì nguy cơ mắc bệnh ở cả hai giới đều như nhau.
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây nên căn bệnh nguy hiểm này. Khoa học đã chứng minh cho thấy, nếu trong gia đình có thành viên có tiền sử về bệnh tim mạch (cha, mẹ hoặc anh, chị có vấn đề tim mạch trước tuổi 55) sẽ làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này cho những thành viên thuộc thế hệ tiếp theo.
Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu tim cục bộ.
Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ người mắc phải căn bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính xuất phát từ các căn bệnh như: Cao huyết áp, tiểu đường… có khoảng 20.000 trường hợp và đã có tới 599 trường hợp tử vong.
Triệu chứng phổ biến thường gặp của căn bệnh này là cơn đau xuất hiện ở vị trí sau xương ức, lan ra cả vùng lên cổ, vai, hàm, thượng vị, sau lưng và tay. Có trường hợp, cơn đau hướng lan lên vai trái xuống mặt trong tay trái, rồi xuống các ngón tay út, áp út. Thời điểm xuất hiện là khi người bệnh gắng sức, xúc động mạnh, bị lạnh, hay sau khi ăn quá nhiều hoặc sau khi hút thuốc lá. Một số trường hợp cơn đau xuất hiện về đêm, mỗi khi người bệnh thay đổi tư thế hoặc có kèm theo cơn nhịp nhanh.
Bác sĩ Lâm Thuận Hiệp, Trưởng khoa Khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết thêm: “Không phải trường hợp thiếu máu cơ tim mạn tính nào cũng có những cơn đau thắt ngực ổn định với những đặc điểm điển hình. Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ cảm thấy khó chịu ở ngực, căng tức ngực, cứng hàm khi gắng sức… Do đó, khuyến cáo người bệnh nên thăm khám sớm và thực hiện những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại để có thể chẩn đoán chính xác bệnh lý”.
Bà S.C.N, 66 tuổi (Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) trước đây đã từng mắc phải căn bệnh nguy hiểm này, với các triệu chứng điển hình như: Đau co thắt lồng ngực, khó thở, hai tay tê cứng… nhưng do kịp thời tầm soát tổng quát tại Bệnh viện Chợ Rẫy nên đến nay cơ bản căn bệnh của bà đã được kiểm soát. Chia sẻ với chúng tôi, bà N cho biết: “Bản thân tôi mắc bệnh cao huyết từ nhiều năm nay. Ban đầu tôi cũng nghĩ do mình lớn tuổi nên thường có những chứng bệnh làm cho người bị đau nhức, chứ không nghĩ mình bị bệnh đau tim thiếu máu cục bộ. Đến khi lên bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh kiểm tra tổng quát mới biết. Bác sĩ nói, nếu tôi không được phát hiện kịp thời có thể tôi sẽ bị tai biến mạch máu não hoặc thậm chí là đột quỵ…”.
Thật vậy, trong một số trường hợp, bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể là dấu hiệu của bệnh lý nền nghiêm trọng hơn như bệnh động mạch vành. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh động mạch vành có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như đau tim cấp tính, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nhưng trong một số trường hợp, bệnh tim thiếu máu cục bộ lại không có triệu chứng rõ ràng, khiến nhiều người chủ quan không thăm khám thường xuyên khiến bệnh trở nên trầm trọng và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh như cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường không gây triệu chứng trong giai đoạn đầu. Bởi vậy, người bệnh cần chú trọng việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm./.
Phương Vũ