(CMO) Một số cơ quan, đơn vị và địa phương còn chủ quan trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, cấp bách thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh, là một trong những hạn chế được nhìn nhận trong công tác đảm bảo TTATGT thời gian qua.
Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Bằng cho biết, trong năm 2020 tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí. Trong năm qua, toàn tỉnh xảy ra 50 vụ, làm chết 17 người và bị thương 42 người, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 12 vụ, giảm 4 người chết và giảm 23 người bị thương.
Mặc dù ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song trong công tác này đã qua cũng ghi nhận nhiều hạn chế, rất cần được chấn chỉnh trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Thanh Bằng, một trong những hạn chế cần nhìn nhận là một số cơ quan, đơn vị và địa phương còn chủ quan trong công tác bảo đảm TTATGT và chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, cấp bách thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông , làm chết 17 người và bị thương 42 người. |
Cùng với đó là hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT và xây dựng văn hoá giao thông còn chưa đạt được như mong muốn, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Công tác tuyên truyền thường tập trung chủ yếu vào các đợt cao điểm. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, lựa chọn phương pháp chưa phù hợp để tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền còn chung chung, chưa sát với thực tế đối tượng được tuyên truyền; hình thức tuyên truyền còn thiếu sáng tạo.
Sự phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ. Công tác bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn tuyến, luồng đường thuỷ bị ảnh hưởng về khổ thông thuyền; luồng cạn chưa được đầu tư, nạo vét kịp thời; hệ thống báo hiệu trên tuyến đường tỉnh quản lý chưa được đầu tư theo quy định; công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng chưa thường xuyên, liên tục, chưa bao quát hết địa bàn.
Bên cạnh đó, hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ tuy đã được quan tâm thường xuyên nhưng vẫn còn tình trạng các phương tiện vận tải khách bằng ô-tô lưu hành không tuân thủ pháp luật, đặc biệt là xe hợp đồng trá hình, bến dù, bến cóc; xe khách vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe liên tục, thiết bị giám sát hành trình không có dữ liệu.
Ông Bằng cho biết, với quyết tâm giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm, thời gian tới địa phương xác định cần triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt toàn diện, thường xuyên các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến địa phương đối với công tác bảo đảm TTATGT, nhất là các biện pháp phòng tránh, hạn chế tai nạn xe mô-tô, xe gắn máy. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ đề: “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ” và “Ðã uống rượu, bia - không lái xe”.
Cùng với đó là phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT, thực hiện các giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ của người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm TTATGT; tập trung các lĩnh vực trực tiếp tiếp xúc với Nhân dân, như tuần tra, xử lý vi phạm; đăng ký, đăng kiểm phương tiện; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, cấp giấy phép vận tải; vận động người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật khi vi phạm hành chính..../.
Văn Ðum