(CMO) Ngày 29/3/2022, Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau (cơ sở) bắt đầu nhận học viên vào cai nghiện sau thời gian ngừng tiếp nhận để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, mỗi lần tiếp nhận 30 người, sau 21 ngày cắt cơn và thực hiện công tác phòng, chống dịch, cơ sở sẽ đưa học viên ra sinh hoạt tập thể và tiến hành tiếp nhận đối tượng cai nghiện mới. Đến nay, số học viên đang cai nghiện tập trung tại Cơ sở là 150 người.
Năm 2021, số người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 2.080 người, trong đó có 1.698 trường hợp ngoài cộng đồng, 253 trường hợp nghiện ở cơ sở cai nghiện và 129 đối tượng đang ở trại tạm giam; tập trung nhiều ở đối tượng từ 18-30 tuổi. Riêng những tháng đầu năm 2022, số người nghiện toàn tỉnh trên 2.000 người. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, cuối tháng 3, việc tiếp nhận đối tượng nghiện ma tuý vào cai nghiện tập trung tại cơ sở mới bắt đầu trở lại, nên trước đó phần lớn đối tượng nghiện đều tập trung ngoài cộng đồng.
Theo phân tích của cơ sở, các đối tượng tập trung cai nghiện tại cơ sở có đến 60% học viên là tái nghiện và 40% học viên là người nghiện mới. Hiện nay, đối tượng nghiện ma tuý phần lớn là nghiện ma tuý tổng hợp, nên việc tiếp nhận cắt cơn gặp không ít khó khăn.
Ông Phạm Hoàng Sa, Giám đốc cơ sở, thông tin, mặc dù hiện tại đối tượng nghiện ma tuý ngoài cộng đồng tương đối lớn, đang chờ có quyết định đưa vào cai nghiện tập trung, nhưng mỗi lần cơ sở chỉ có thể tiếp nhận 30 học viên, nếu nhận ồ ạt những đối tượng mới trong cắt cơn sẽ không đảm bảo an ninh trật tự.
“Hiện tại, cơ sở chỉ có 1 bác sĩ, 1 y sĩ và 1 dược sĩ nên công việc cắt cơn cho các đối tượng nghiện ma tuý mới vào gặp rất nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc xét tuyển nhân sự có chậm trễ, chúng tôi đã đề xuất với Sở LĐ-TB&XH tuyển dụng lực lượng chuyên môn cho công tác cai nghiện ma tuý tập trung đạt hiệu quả”, ông Sa cho biết.
Để đảm bảo công tác cai nghiện, theo quy định, diện tích là 6 m2/học viên, nên với cơ sở, quy mô tiếp nhận học viên vào cai nghiện tối đa là 300 người. Tuy nhiên, trên thực tế, số học viên luôn vượt quá quy định và cơ sở phải quản lý từ 550-600 học viên.
Sau khi cắt cơn và hoàn thành cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19, học viên được sinh hoạt tập thể, lao động tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau. |
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, theo chỉ đạo, từ tháng 7/2021, cơ sở ngừng tiếp nhận học viên vào cai nghiện và chỉ mới thực hiện tiếp nhận lại từ ngày 29/3 vừa qua. Hiện nay, để đảm bảo công tác tổ chức thăm gặp học viên tại cơ sở đảm bảo an toàn, linh hoạt và hiệu quả, đơn vị có thiết kế phòng giải quyết thăm gặp, tối đa 10 học viên/lượt thăm gặp gia đình. Đồng thời, yêu cầu thân nhân, gia đình học viên tự thực hiện test nhanh Covid-19, nếu kết quả test nhanh âm tính thì giải quyết cho thăm gặp như bình thường; nếu thân nhân, gia đình học viên có triệu chứng bệnh tự test nhanh cho kết quả dương tính với Covid-19 thì thông báo dừng giải quyết thăm gặp. Qua đó, góp phần giúp đỡ học viên an tâm tư tưởng, tích cực học tập, cai nghiện, phục hồi sức khoẻ... để sớm tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Ngoài việc làm tốt công tác quản lý, kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế sự phát sinh người nghiện ma tuý, các hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý, một trong những giải pháp được cơ quan chức năng đưa ra đó là phải tuyên truyền, vận động, đồng thời đưa người nghiện ma tuý đi cai nghiện tập trung.
Theo ông Phạm Hoàng Sa, cai nghiện tập trung tại cơ sở, người nghiện sẽ có nhiều thuận lợi khi tái hoà nhập cộng đồng, bởi tại đây, ngoài việc được giáo dục, rèn luyện ý chí, thay đổi hành vi, phục hồi nhân cách, từ bỏ ma tuý, thì trong quá trình cắt cơn giải độc, phục hồi sức khoẻ, họ còn được cơ sở tổ chức mô hình dạy nghề sửa điện, cắt tóc, may, đồng thời cho lao động trồng rau, nuôi cá… Ngoài ra, nếu các địa phương có nhu cầu, cơ sở sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp đào tạo nghề “theo địa chỉ” ngay tại cơ sở, để sau khi trở về cộng đồng, họ có nền tảng kiến thức, từ đó tự tạo việc làm cho bản thân, tránh xa tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, với con số tái nghiện khoảng 60% như hiện nay thì hành trình từ cai nghiện tập trung đến tái hoà nhập cộng đồng, ngoài sự nỗ lực của cơ sở, của chính người nghiện, cần có vòng tay quan trọng từ gia đình, chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội. Sự chung tay này có thể giúp người nghiện ma tuý sau khi tái hoà nhập cộng đồng vượt qua mặc cảm, quyết tâm từ bỏ tệ nạn để có cơ hội làm lại cuộc đời./.
Thanh Phương