ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 26-3-25 22:44:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cần chính sách đột phá để phát triển điện hạt nhân

Báo Cà Mau Theo các đại biểu Quốc hội, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng đắn và phù hợp với thực tiễn trước yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cam kết giảm phát thải.

Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội sáng 17/2. (Ảnh: DUY LINH)

Lựa chọn chiến lược để bảo đảm an ninh năng lượng

Sáng 17/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, với nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, việc phát triển điện hạt nhân là một tất yếu khách quan. Ông dẫn chứng nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tập trung đầu tư, nâng cấp các lò phản ứng hạt nhân để bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải carbon.

Nhận định về tầm quan trọng của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, việc Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù là bước đi đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của thời đại.

Đây không chỉ là điều kiện để phát triển nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế-xã hội, mà còn là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu (Ảnh: DUY LINH)

Tuy nhiên, theo đại biểu, bên cạnh lợi ích tiềm năng, dự án còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực và an toàn môi trường. Việt Nam vẫn còn hạn chế trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, do đó cần có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài.

“Rất nhiều nhân lực chúng ta từng đào tạo cho các dự án trước đây hiện đang làm việc cho bên ngoài và ở nước ngoài. Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết chưa đề cập rõ về chính sách thu hút, giữ chân nhân tài trong lĩnh vực này. Nếu không có chính sách về nhân lực phù hợp, sẽ khó triển khai thực hiện, vận hành dự án trong trước mắt và dài hạn”, ông Mai nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực bài bản, tạo cơ chế thu hút nhân tài, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong nước nhằm giảm áp lực vốn đầu tư từ ngân sách.

Phát biểu tại phiên họp, ông Trần Quốc Nam - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, Đảng bộ và nhân dân tỉnh luôn trong tâm thế sẵn sàng thực hiện dự án, coi đây là cơ hội phát triển bền vững cho địa phương và cả nước.

Đại biểu Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Một trong những vấn đề quan trọng là công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ dự án. Theo ông Nam, ngay từ năm 2009, khi chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân được phê duyệt, người dân trong vùng dự án đã sẵn sàng nhường đất cho công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm, nhiều hộ gia đình vẫn mong mỏi chính sách đền bù, tái định cư hợp lý, bảo đảm đời sống tốt hơn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận phải hoàn thành trong năm 2025 để bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư. Để làm được điều này, Ninh Thuận đã đề xuất thêm một số chính sách bổ sung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.

Ông Nam nhấn mạnh: Bà con vùng dự án chỉ có một nguyện vọng duy nhất - nơi ở mới phải thực sự tốt hơn, đời sống ổn định, ấm no, hạnh phúc. Đây cũng chính là mong muốn và điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã căn dặn trong chuyến thăm Ninh Thuận vào tháng 12/2024.

Đại biểu tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, với tinh thần “Việc gì làm được thì làm ngay, không chờ đợi”, tỉnh đang nỗ lực thực hiện các công việc cần thiết để bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ các phần việc được giao.

“Ninh Thuận vì cả nước và cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ công trình trọng điểm đặc biệt quan trọng để đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận khẳng định.

Cơ chế đặc thù - động lực thúc đẩy tiến độ dự án

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Tại phiên họp, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết liên quan các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nhu cầu điện của nước ta trong những năm tới là rất lớn, để đáp ứng tăng trưởng kinh tế 8-10% đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện cần đạt khoảng 230.000 MW, gấp ba lần hiện nay. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050, phát triển các nguồn điện sạch, bền vững là điều tất yếu.

Điện hạt nhân được xem là nguồn điện nền ổn định, có công suất khả dụng cao và giá thành hợp lý trong dài hạn. Đặc biệt, đây là nguồn điện giúp giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chủ trương tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Với tính chất phức tạp của dự án điện hạt nhân – đòi hỏi công nghệ cao, nguồn vốn lớn và thời gian triển khai kéo dài – việc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tiến độ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn chứng, trên thế giới, để hoàn thành đầu tư một dự án điện hạt nhân tương tự, thời gian thường kéo dài khoảng 10 năm, nhanh nhất cũng từ 7-8 năm. Do đó, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án trong giai đoạn 2030-2031, cần có cơ chế đặc thù đủ mạnh nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết đề xuất 5 nhóm chính sách đặc thù liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu; chuẩn bị và thực hiện đầu tư; cơ chế tài chính và thu xếp vốn; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; di dân, tái định cư và bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những nội dung quan trọng giúp tạo điều kiện thuận lợi để triển khai đồng bộ các hạng mục công trình của dự án, từ đàm phán hiệp định đối tác, thu xếp vốn, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến đào tạo nguồn nhân lực…

Dự thảo Nghị quyết lần này được xây dựng trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và bảo đảm tính đồng bộ, khả thi. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, khi được Quốc hội thông qua, Nghị quyết sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ngay tại kỳ họp này để làm cơ sở triển khai thực hiện, tận dụng các điều kiện thuận lợi, tinh thần và khí thế quyết tâm vượt khó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc quan trọng ban đầu của dự án.

“Với tinh thần cầu thị, khẩn trương, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, chủ quan, sau phiên thảo luận hôm nay, chúng tôi cam kết sẽ cùng Cơ quan chủ trì thẩm tra quán triệt thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, nghiên cứu kỹ lưỡng và tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này, làm cơ sở để khẩn trương triển khai thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai dự án, nếu phát sinh các vấn đề mới hoặc phải sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách này, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh./.

 

Theo nhandan.vn

Đại hội Đảng bộ Đồn biên phòng Sông Đốc thành công tốt đẹp

Với chủ đề “Đoàn kết- Dân chủ - Kỷ cương- Quyết thắng”, trong 2 ngày (25-26/3), Đảng bộ Đồn Biên phòng (BP) Sông Đốc (Đảng bộ BĐBP tỉnh Cà Mau) tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đại hội được Đảng bộ BĐBP tỉnh chọn tổ chức trước để rút kinh nghiệm cho các đơn vị trong BĐBP tỉnh.

Công tâm, khách quan trong giải quyết yêu cầu của công dân

Đó là chỉ đạo của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình tại buổi tiếp công dân định kỳ quý 1/2025, tại trụ sở tiếp công dân tỉnh Cà Mau vào sáng 26/3. Cùng dự có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Singapore thăm chính thức Việt Nam

Sáng 26/3, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lawrence Wong và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25-26/3.

Dự kiến giảm 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm 60 - 70% cấp xã

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự kiến, sau sắp xếp giảm 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm 60-70% đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đoàn cán bộ tỉnh Cà Mau thăm, chúc tết tại tỉnh Koh Kong

Tiếp tục chuyến công tác tại Vương quốc Campuchia, chiều 25/3, đoàn cán bộ tỉnh Cà Mau do Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ Hồ Trung Việt dẫn đoàn, đến thăm, chúc tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây tại tỉnh Koh Kong. Cùng tham gia với đoàn có Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ TP Cà Mau Trần Hồng Quân. Bà Mithuna Phuthong, Tỉnh trưởng tỉnh Koh Kong, tiếp đoàn.

Hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Chiều 25/3/2025, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021,-2024 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2025 2030 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Về việc phê duyệt Ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Cà Mau

Các sự kiện phải đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân

Sáng 25/3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về chương trình, kế hoạch tổ chức các sự kiện quan trọng trong Chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2025”, như Lễ Tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ giỗ tổ Hùng Vương, Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển.

Thủ tướng: 20 triệu thanh niên sẽ quyết định vị thế và tầm vóc của Việt Nam trong kỷ nguyên số

Đối thoại với thanh niên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 20 triệu thanh niên sẽ quyết định vị thế và tầm vóc của Việt Nam trong kỷ nguyên số; tầm nhìn và khát vọng phát triển đất nước tới năm 2045 rất cần sự đóng góp, trí tuệ của lực lượng này.