(CMO) Đó là chỉ đạo của Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân trong buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong điều kiện biến đổi khí hậu vừa tổ chức sáng 24/8.
Tham dự buổi tiếp xúc còn có Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Kiên Cường và Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cùng 20 cử tri là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Các cử tri cùng chia sẻ và nêu lên những khó khăn, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp cũng như nuôi trồng thủy sản trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo đó, tỉnh cần có cơ chế chính sách trong dồn điền đổi thửa để tích tụ ruộng đất kết hợp với đầu tư quy hoạch sản xuất tiến đến sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp (sản xuất lúa - PV), nhiều cử tri mong nuốn tỉnh sớm có chính sách đầu tư, mời gọi các viện, trường nghiên cứu lai tạo các bộ giống lúa thích ứng với điều kiện thực tế của từng đại phương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử thừa nhận, từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tỉnh đã quy hoạch thành 2 vùng sản xuất Nam Cà Mau và Bắc Cà Mau với 23 tiểu vùng. Nhưng đến nay chỉ có 1 tiểu vùng được đầu tư đồng bộ, khép kín, số còn lại chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Vì thế, Cà Mau cần được các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ và có những cơ chế chính sách mang tính đặc thù. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cho Cà Mau cơ chế tạo ra quỹ đất để sắp xếp hoán đổi cho người dân để quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp; phê duyệt đề án nuôi tôm công nghệ cao và giải thể các công ty lâm nghiệp tạo quỹ đất sạch; quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi; cho Cà Mau trồng cây chuối luân canh với cây lâm nghiệp trên lâm phần rừng tràm; miễn thuế nuôi trồng thủy sản vượt mức hạn điền và khai thác cây lâm nghiệp cho dân.
Trung Đỉnh