(CMO) “Giải pháp chống sạt lở hiện nay không chỉ chú trọng kè, bởi ngân sách hết sức khó khăn mà phải có sự vào cuộc của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và cả việc quy hoạch, sắp xếp lại dân cư”. Đó là ý kiến tâm huyết của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải trong chuyến khảo sát tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi vào ngày 11/5.
Trong chuyến đi, đoàn đã đến các điểm đang trong tình trạng sạt lở cực kỳ nguy hiểm như: khu vực xã Hàng Vịnh (huyện Năm Căn), vàm Ô Rô, xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển) và khu vực Hố Gùi, xã Nguyễn Huân, chợ Tân Tiến (thuộc huyện Đầm Dơi).
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (bìa trái) trao đổi với chính quyền địa phương về tình trạng sạt lở.
Tình trạng sạt lở bờ biển Đông đang diễn ra rất nghiêm trọng với chiều dài khoảng 24,5 km. Cụ thể: đoạn thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (3 km); đoạn từ Hóc Năng về phía rạch Nhà Phiếu, huyện Ngọc Hiển (4 km); đoạn Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn (1 km); đoạn Vàm Xoáy, xã Đất Mũi (2 km); đoạn Hố Gùi, xã Nguyễn Huân (khoảng 14,5 km).
Do tác động của biến đổi khí hậu, tốc độ sạt lở bờ biển, ven sông diễn ra rất nhanh, một số đoạn sạt lở rất nghiêm trọng. Kể từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển bị mất khoảng 4.064 ha, có nguy cơ vỡ đê biển Tây. Tuyến đê biển Tây với chiều dài khoảng 57 km đang trong tình trạng sạt lở, đặc biệt có 3 vị trí sạt lở rất nguy hiểm cần có giải pháp công trình bảo vệ khẩn cấp.
Ngoài ra, tình hình sạt lở đất ven sông cũng rất nghiêm trọng. Theo khảo sát thực tế, toàn tỉnh có 27 vị trí sạt lở, với tổng chiều dài trên 37,9 km. Trong đó có 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, với chiều dài trên 4,9 km và ảnh hưởng khoảng 1.047 hộ dân đang sinh sống. Riêng từ năm 2017 đến nay đã xảy ra 18 vụ sạt lở, với chiều dài khoảng 549 m tại 2 huyện Năm Căn và Đầm Dơi.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kiểm tra khu vực sạt lở tại khu vực chợ xã Tân Tiến.
Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, nhận định, tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện mỗi ngày một nghiêm trọng. Có 4 xã và thị trấn thường xuyên bị sạt lở, tháng 5-9 hằng năm gần như năm nào cũng xảy ra sạt lở.
Ông Tô Hoài Phương kiến nghị, khu vực thị trấn nên có khu dân cư tập trung, đầu tư hạ tầng cơ bản, trường học… để vận động người dân di dời vào sinh sống ổn định.
Là huyện có trên 70 km bờ biển Đông, ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, thông tin, toàn bộ khu vực biển Đông hiện nay có gần 60 km bị sạt lở. Có những khu vực mỗi năm sạt lở vào gần 50 m, nhất là thị trấn Rạch Gốc, nếu không có kè thì không lâu khu vực này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ sạt lở. Tất cả các chợ xã gần như hằng năm đều xảy ra sạt lở.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định, trong 254 km bờ biển từ Đồng sang Tây đến nay đã có 90% sạt lở, nơi ít nơi nhiều. Đặc biệt, bờ biển Đông sạt lở rất sâu và mỗi năm mất trên 500 ha rừng. Giải pháp chống sạt lở hiện nay không phải chỉ chú trọng kè, bởi hiện nay ngân sách hết sức khó khăn mà phải có sự vào cuộc của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đối với tình trạng sạt lở ven sông, các huyện phải tiến hành rà soát lại quy hoạch, từ đó có kế hoạch di dời, không để người dân sống trong vùng nguy hiểm.
Nguyễn Phú