(CMO) “Trời mưa suốt cả tuần nay, nhờ có mấy cái khẩu trang vải chớ xài khẩu trang y tế chắc tốn kém không ít”, chị Tám chủ quán than vãn khi nghe thím Hai ve chai nhờ đứa cháu đi mua giùm hộp khẩu trang y tế.
“Mưa gió ướt át, đeo khẩu trang làm gì cho phiền rồi lại than. Nước ngập lênh láng đường sá, mấy vi-rút bị cuốn trôi hết rồi, lo gì Tám ơi”, Bảy thợ hồ pha trò.
“Nói vậy sao được. Hàng ngày tôi phải đi chợ, đưa rước con đi học… tiếp xúc toàn chốn đông người nên phải cẩn thận, phòng ngừa lây lan dịch Covid-19 chứ”, chị Tám phân trần.
“Hơn tháng nay, nước ta không ghi nhận ca bệnh Covid-19 nào ngoài cộng đồng, còn những ca phát hiện mới từ nước ngoài trở về cũng đã được cách ly điều trị. Riêng tỉnh ta vẫn là vùng an toàn. Lo xa chi cho cực thân vậy Tám”, Sáu thợ mộc chen vào.
Ảnh internet |
Thấy 2 người thường đối nghịch tư tưởng, hôm nay lại bắt tay châm chọc chị Tám, chú Năm xe ôm phản ứng: “Tụi bây suy nghĩ như thế là thiếu tinh thần trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng. Bởi thực tế, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu và nguy cơ lây lan cộng đồng rất cao, nên không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Chắc cũng có suy nghĩ như bây nên mới xảy ra vụ bạo hành bảo vệ bệnh viện, vì nhắc nhở người vào bệnh viện đeo khẩu trang”.
“Ủa, có chuyện đó sao, mà sự thể thế nào, chú thuật lại cho tụi tôi nghe với chú Năm”, chị Tám nhanh miệng đề nghị, trong khi Bảy thợ hồ và Sáu thợ mộc cũng trố mắt nhìn về hướng chú Năm.
“Vụ việc này đã xảy ra hơn 10 ngày nay, dư luận xôn xao vậy mà tụi bây không nghe! Được tin báo, công an đã nhập cuộc, trích xuất camera và bắt giữ nhóm thanh niên côn đồ đó. Tao nghĩ sẽ không lâu đâu, bọn này sẽ phải trả giá trước pháp luật”, chú Năm xe ôm từ tốn hớp ngụm trà quạu và vào vấn đề:
- Theo đồng nghiệp tao kể lại thì vào chiều 9/10, có 3 thanh niên đi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà không đeo khẩu trang. Thấy vậy, một anh bảo vệ bệnh viện đã nhắc nhở nhóm thanh niên thực hiện theo đúng quy định nhằm phòng ngừa dịch bệnh, nhưng những người này không chấp thuận còn thể hiện hành vi thoá mạ bảo vệ. Bị bảo vệ phản ứng thì một trong ba thanh niên kia đã xông vào đánh anh bảo vệ. Tiếp theo hai thanh niên còn lại cùng với nhiều người nữa (có thể là cùng nhóm) từ bên ngoài cổng chạy vào và tham gia đánh bảo vệ đến ngất xỉu mới bỏ đi.
“Ủa, lực lượng bảo vệ bệnh viện không phải ít, sao để đồng nghiệp của mình bị vây đánh đến ngất vậy”, Bảy thợ hồ thắc mắc.
“Họ có tiếp ứng đó chứ, nhưng do nhóm thành niên đông và diễn biến sự việc quá nhanh nên họ không kịp trở tay. Vì vậy, ngoài anh bảo vệ bị đánh ngất xỉu, thương tích nặng phải nằm viện để được chăm sóc, theo dõi thì một bảo vệ khác cũng bị đánh chấn thương phần mềm”, chú Năm tiếp tục thông tin.
“Có nguyên nhân nào khác không chớ chuyện nhỏ như con thỏ vậy mà gây hậu quả lớn vậy sao", Sáu thợ mộc thắc mắc.
“Nguyên nhân gì đi nữa thì cũng không nên có thái độ như thế, nhất là ở những nơi như bệnh viện. Đằng này, việc bảo vệ nhắc nhở người vào bệnh viện phải đeo khẩu trang là thực hiện chức trách, theo tinh thần Công điện số 03 của tỉnh, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị và mọi người dân trong tỉnh không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và phải quyết tâm nỗ lực, phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất…”, chú Ba bốc xếp nói chắc nịch.
“Đúng đó anh Ba. Tôi nghĩ rằng vụ này cơ quan pháp luật cần phải xử lý nghiêm khắc để răn đe những hành vi ngang nhiên gây rối trật công cộng, cố tình xâm phạm thân thể người khác, cũng như xem thường chủ trương của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh”, chú Năm xe ôm nói như kiến nghị.
“Phải rồi mấy chú. Vụ này phải được xử lý đến nơi đến chốn để răn đe. Vì thực tế đời sống xã hội vẫn còn không ít người, chẳng hạn như…”, chị Tám bỏ lửng câu nói, liếc mắt về hướng Bảy thợ hồ và Sáu thợ mộc./.
Mỹ Pha