(CMO) “Sớm di dời Trạm khí tượng Cà Mau vì hiện nay hành lang an toàn kỹ thuật của trạm không đảm bảo theo yêu cầu. Lắp đặt các trạm đo mưa tự động, trạm radar thời tiết phục vụ cảnh báo, dự báo sớm thiên tai. Hỗ trợ, chuyển giao các công cụ, phần mềm, mô hình dự báo khí tượng thuỷ văn (KTTV) cho đài tỉnh…”, Giám đốc Đài KTTV Cà Mau Trịnh Xuân Hưng đề xuất như thế tại buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng cục KTTV vào chiều 13/6.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu tại buổi làm việc.
Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng xảy ra phức tạp. Bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông, bờ biển, dông, lốc xoáy… xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc hơn và diễn biến khó lường. Trong năm 2017, tỉnh Cà Mau đã triển khai công tác ứng phó với thiên tai tại các sở, ban, ngành và địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức trên 28 lớp tâp huấn nghiệp vụ, chuyên môn, có gần 2.000 lực lượng tham gia. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trên 450 đề tài, gần 1.500 bản tin trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Năm 2017, thiên tai trên địa bàn tỉnh làm 45 tàu cá bị chìm, 376 căn nhà bị sập, sạt lở hơn 100 km đê biển Tây và biển Đông, hơn 4.100 m đất ven sông bị sạt lở, gây thiệt hại gần 11.300 ha lúa, hoa màu và gần 2.900 ha đầm nuôi thủy sản, có 31 người tử nạn. Ước tính tổng thiệt hại hơn 44 tỷ đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, thiên tai ở Cà Mau diễn biến khá đặc thù so với các tỉnh trong khu vực. Việc huy động nguồn lực đã chi phối vào nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu rất lớn. Hằng năm phải đầu tư cho nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu lớn mà không trực tiếp tạo ra giá trị sản phẩm nên việc huy động nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, tỉnh Cà Mau rất ý thức trong vai trò dự báo các tình huống thiên tai. Mặc dù dự báo chưa hết các loại hình thiên tai đảm bảo theo yêu cầu thực tế, nhưng công tác dự báo đã được thực hiện rất chặt chẽ và có tiến bộ nhiều so với trước đây trong điều kiện khả năng được trang bị. Riêng về việc quy hoạch hệ thống các trạm quan trắc, cần xem xét mức độ phù hợp với tình hình thực tế; sớm có những đề tài, dự án nghiên cứu về tình hình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở đê biển… hiệu quả hơn, chính xác hơn.
Mã Phi