ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 26-11-24 03:31:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cần thương hiệu để vươn xa

Báo Cà Mau (CMO) Tân Lộc Bắc được biết đến là xứ sở của các món ngon từ thịt trâu, đặc biệt là món khô trâu do tự tay người dân nơi đây chế biến phục vụ khách hàng trong và ngoài huyện. Đây là sản phẩm được huyện đưa vào Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) để thúc đẩy phát triển sản xuất tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Với hương vị đặc trưng của món khô trâu, cơ sở sản xuất Năm Hoàng tại Ấp 3, xã Tân Lộc Bắc có cách chế biến riêng biệt và được nhiều người tin dùng. Chủ cơ sở Trần Thị Sương cho biết: “Để miếng khô thơm, ngon, mùi vị hấp dẫn phải chọn loại thịt đùi, đùi sau hay còn gọi là đùi gọ, rồi lóc bỏ hết gân mỡ trước khi đem xắt thành lát cỡ bàn tay. Kế đến là khử tanh thịt với gừng, rượu trắng, muối. Sau đó dùng máy cán cho đều miếng thịt, xong đem ướp gia vị cùng sả, tỏi, ớt xay nhuyễn cho thấm đều và sắp vào vỉ tre phơi trên nóc nhà. Người phơi thăm và trở khô để khô thấm nắng cả 2 mặt, phơi khoảng 1 ngày rưỡi, nắng càng tốt thịt càng ngon”. Bình quân 2,8-3 kg thịt tươi có thể làm được 1 kg khô, do đó, giá khô phải cao gấp 3 lần giá thịt. Khô trâu có thể bảo quản ăn cả tháng mà chất lượng vẫn không thay đổi.

Khô trâu 2 nắng được bà Sương kiểm tra trước khi đóng gói.

Nguồn nguyên liệu được bà lấy từ các tỉnh trên, những địa phương chuyên chăn nuôi trâu lấy thịt. Nhờ bí quyết riêng nên khô trâu cơ sở bà rất được ưa chuộng. Khách mua để dùng hay biếu, bán chạy hàng nhất vào dịp lễ, Tết. Hàng năm cơ sở bà bán trên 2 tấn khô trâu, mỗi ký từ 440-500 ngàn đồng.

Bà Trần Thị Sương chia sẻ: “Do gia đình làm nghề buôn bán nên cách đây gần 20 năm tôi tự mài mò ra món khô trâu để bán kiếm thêm thu nhập. Ban đầu làm số lượng ít bán cho người ta ăn thử, rồi mọi người khen ngon, đặt mua tiếp nên dần dần tôi mở rộng thành cơ sở. Nhiều nơi lại đặt mua, cả ở TP Hồ Chí Minh và biếu tặng ra Hà Nội”.

Khô trâu được chiên hoặc nướng ăn ngay. Trước khi nướng có thể đem ngâm nước độ vài phút, sau đó nướng trên bếp than hồng cho đến khi mùi thơm bốc lên nức mũi, lúc đó khô đã chín đều. Xong dùng chày đập cho miếng khô tơi như vậy thịt ngon, mềm hơn. Có thể chấm với nước cơm mẻ chua cay hoặc nước mắm me chua cay ngọt. Cũng có thể chế biến gỏi, như trộn chung với xoài sống, dưa leo hay đu đủ bào, sau đó cho thêm giấm, ớt, đường, đậu phộng, ít rau răm sẽ giúp món ăn thơm lừng, ngon vượt trội so với các loại khô khác.

Để tiếp tục duy trì và tiến tới công nhận thương hiệu sản phẩm “Khô trâu Tân Lộc Bắc”, UBND xã đã đăng ký tham gia sản phẩm vào Chương trình OCOP của huyện năm 2020, nhằm đưa sản phẩm khô trâu sản xuất theo quy trình khép kín đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, vươn xa khắp cả nước. Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc Lâm Thị Trúc Mai cho biết: “Khô trâu Tân Lộc Bắc có giá cả hợp lý, ngon và sạch. Nếu được công nhận thì thương hiệu sẽ mở rộng ra thị trường, giúp người dân trong xã tăng nguồn thu với mô hình mới, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí thu nhập”.

Hiện nay, huyện Thới Bình đang đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP để huy động, phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng tham gia thực hiện thành công mục tiêu của đề án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo đó, lãnh đạo các xã, thị trấn và người dân phải hiểu rõ về thế mạnh sản phẩm chủ lực của địa phương mình để định hướng phát triển đúng đắn, phù hợp, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của huyện./.

Thuỳ Linh