(CMO) "Sùng” các loại bài thuốc dân gian, hiện trào lưu ngâm rượu thuốc để bồi bổ, chữa bệnh đang ngày càng lan rộng. Nhưng việc ngâm và sử dụng một cách vô tội vạ, "mù tịt" về công dụng cũng như hàm lượng hoạt chất dễ dẫn đến những hiểm hoạ khôn lường.
Không chỉ có “bổ” bên trong...
Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Cà Mau Trần Văn Hùng cho biết: “Rượu thuốc là những chế phẩm lỏng có thành phần chính là dung môi (cồn, rượu) và các hoạt chất (thảo mộc, động vật, côn trùng...). Rượu được bào chế bằng phương pháp ngâm các dược liệu hay các loại cao với rượu, cồn dùng để uống hay dùng ngoài".
Rượu được ngâm kèm các vị thuốc tuỳ theo công dụng mong muốn chữa bệnh hay bồi bổ cơ thể. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng được rượu thuốc và uống bao nhiêu cũng được. Ngoài ra, không nên ngâm rượu theo truyền miệng, hoặc nghe nói, nghe đồn... bởi mỗi loại thuốc khi ngâm rượu sẽ có công dụng khác nhau. Nếu không nắm rõ quy trình ngâm hoặc không loại bỏ phần độc trên các loại chất ngâm rất dễ sinh ra độc tố.
Hiện nay, cả người bán lẫn người tự ngâm không ngần ngại tự “chế” thêm nhiều loại rượu thuốc khác nhau mà không biết thực sự chúng có lợi hay hại, chỉ cần đắt tiền, quý là đem ngâm rượu, dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc rượu.
Ngoài ra, còn rất nhiều luồng tư tưởng cho rằng rượu thuốc ngâm càng lâu càng tốt, có công hiệu. Tuy nhiên, theo Đông y ghi chép, dùng rượu thuốc cũng phải có hạn sử dụng và chỉ nên ngâm xác dược liệu qua 2 lần, thời gian ngâm từ 7-10 ngày là vớt ra, tránh tận dụng ngâm lại nhiều lần vì sẽ mất đi công hiệu ban đầu.
Ngoài các loại thảo dược, rượu dùng để ngâm cũng là một điều quan ngại khi trên thị trường xuất hiện nhiều loại rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc cũng như độ an toàn.
Tại Cà Mau, việc kinh doanh các loại rượu thuốc còn khá kín đáo, thậm chí rất hiếm hoi vì phần lớn người dân tự ngâm theo ý và công dụng để bồi dưỡng hay trị bệnh.
Tiếp cận một cửa hàng bán rượu thuốc lâu đời tại Phường 4, TP Cà Mau, chủ kinh doanh cho biết: “Rượu thuốc tại đây hầu hết chỉ ngâm để tạo màu và cho dễ uống. Các loại thảo mộc, vị thuốc được ngâm cũng khá thông dụng như trái nhàu, chuối hột, nho, sâm cúc... nên có giá khá rẻ, chỉ chênh với giá của rượu trắng từ 10.000-20.000 đồng”.
... mà còn “đẹp” bên ngoài
Bên cạnh chức năng được cho là bồi bổ, chữa bách bệnh thì rượu thuốc ngày nay còn được truyền tay trong “phái đẹp” bởi công dụng làm đẹp thần tốc khiến không ít người phải “muối mặt”.
Với ý nghĩ “nhất dáng nhì da”, nhiều người chọn cách thử nghiệm sản phẩm làm đẹp mới mang tên rượu thuốc ngâm từ rễ cây, mà công dụng chính lại đánh trúng và đúng tâm lý là làm đẹp thần tốc chỉ trong thời gian ngắn.
Những chai rượu thuốc này được đựng trong các chai nhựa sơ sài, bên trong là chi chít các vỏ, thân, rễ cây, hoàn toàn không có nhãn mác, xuất xứ, không ghi rõ thành phần, công dụng, hàm lượng. Với "vỏ bọc" bí quyết gia truyền, chúng khiến nhiều người gật gù tán thưởng và không ngại chi từ 100.000 đồng thậm chí đến 500.000 đồng để sở hữu chúng.
Chia sẻ về việc sử dụng rượu ngâm rễ cây để làm đẹp, Bác sĩ Ngô Thanh Tân, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết: “Rất nhiều trường hợp đến trung tâm điều trị da trong tình trạng sưng, phù nề, bỏng, bong tróc, dị ứng, nổi mẩn đỏ vì sử dụng những loại rượu thuốc không rõ nguồn gốc để bôi lên mặt trong thời gian dài dẫn đến da bị tổn thương nặng có thể dẫn đến hoại tử. Thời gian điều trị, phục hồi lại ngắn hay dài tuỳ theo lượng và thời gian sử dụng tổn thương trên da, cho nên trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm gì bôi lên da nên cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ và khi da gặp vấn đề nên đến các cơ sở y tế, da liễu uy tín để điều trị”.../.
Ngô Nhi
Ông Trần Văn Hùng khuyến cáo: “Không khuyến khích việc sử dụng rượu thuốc trong việc bồi bổ cơ thể, chữa bệnh. Không nên tự ý hoặc nghe truyền miệng bài thuốc ngâm, chỉ ngâm thuốc khi đã tham khảo ý kiến, hướng dẫn của các lương y, đặc biệt khi ngâm cần sử dụng các loại rượu có nguồn gốc, thương hiệu, các loại rượu đã được Nhà nước kiểm soát và Sở Khoa học - Công nghệ chứng thực nguồn gốc độ an toàn”. Ông Trương Thanh Tú, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện nay, tình trạng buôn bán, kinh doanh rượu thuốc đang bị buông lỏng vì hầu như chỉ kiểm tra các loại rượu thuần chứ không kiểm tra rượu thuốc. Phần khác đây là những bài thuốc truyền miệng, người dân tự mua về ngâm tại nhà nên gây cản trở cho công tác kiểm soát. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc do sử dụng rượu thuốc, tuy nhiên, không nên lơ là và phải thực sự thận trọng nhất là đối với các loại thức uống, thực phẩm dùng để ăn, uống vào cơ thể”. |