Phụ nữ hút thuốc lá, dù hút chủ động hay thụ động đều gây ra nhiều tác hại đối với sức khoẻ, nhất là ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư...
- Tăng cường các giải pháp giảm tác hại của thuốc lá
- Hút thuốc lá gây ra bệnh lý tim mạch
- Tác hại của thuốc lá điện tử đến sức khoẻ
Bác sĩ Hồ Thanh Ðảm, Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: "Tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người là một vấn đề nghiêm trọng toàn cầu. Tại Cà Mau, theo số liệu điều tra về thực trạng sử dụng thuốc lá của người dân năm 2024, ghi nhận kết quả 35,2% nam giới và 1,2% nữ giới đang sử dụng thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới giảm, nhưng lại có dấu hiệu tăng lên ở nữ giới".
Ở nữ giới, việc sử dụng thuốc lá gây tác hại trên toàn bộ cơ thể, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ sinh sản. Hút thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản, làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn lại, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Phụ nữ hút hơn 1 bao thuốc/ngày mắc chứng này cao hơn 1,4 lần so với phụ nữ không hút thuốc.
Ngoài ra, phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ bị thai ngoài tử cung tăng từ 1,3-2,5 lần, gây đẻ non hoặc thai chết lưu từ 1,4-2,4 lần so với người không hút thuốc lá. Hút thuốc lá còn làm giảm 20-30% cân nặng của trẻ sơ sinh...
Ảnh minh hoạ.
Theo số liệu thống kê, mặc dù tỷ lệ nữ giới Việt Nam hút thuốc lá thấp nhưng tỷ lệ nam giới hút thuốc vẫn còn ở mức cao, do đó việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động là điều không tránh khỏi. Số liệu điều tra năm 2024, tại Cà Mau ghi nhận tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà là 56,5%, tại nơi làm việc là 32,2%. Việc phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động vẫn ở mức cao, nguy cơ bệnh tật do hít phải khói thuốc lá vẫn hiện hữu.
Trong thời gian ngắn, việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động có thể gây viêm và ảnh hưởng niêm mạc hô hấp. Về lâu dài có thể gây ra bệnh tim, mạch vành, đột quỵ, ung thư phổi, ung thư vú ở phụ nữ và các bệnh khác, cũng như gây tử vong sớm.
"Ðặc biệt, việc hút thuốc lá thụ động ảnh hưởng nghiêm trọng tới phụ nữ mang thai, gây hại cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có sự sụt giảm đáng kể trong phản ứng rụng trứng và thụ tinh ở những người hút thuốc lá là phụ nữ trong lứa tuổi sinh nở. Vì vậy, hút thuốc lá thụ động có thể gây vô sinh ở phụ nữ. Hút thuốc lá thụ động trong khi mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và sinh non, sinh con yếu ớt, nhẹ cân, làm tăng gấp đôi nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh và dị tật sơ sinh ở trẻ", Bác sĩ Ðảm thông tin.
Tác hại của hút thuốc lá đến sức khoẻ là rất lớn, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, hãy bỏ thuốc lá vì sức khoẻ của bản thân và những người xung quanh.
Ðể bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ, ngoài việc tự ý thức của người sử dụng thuốc lá, cần thực hiện nghiêm việc cấm hút thuốc lá theo quy định của phát luật nhằm hạn chế nguy cơ hút thuốc lá thụ động./.
Lê Kim